Ít lo đến mình
Nhà ông Tư Hóa không khó tìm. Cứ chạy hết hẻm 143 Cô Giang (quận 1, TPHCM) là đến. Căn nhà chỉ 10m2, mỏng dính như dán vào tường nhà bên cạnh. Cánh cửa sắt đóng im ỉm. Chúng tôi gọi điện thoại, ông Tư Hóa bảo chúng tôi đi thẳng vào hẻm nhỏ, đến cửa sau. Căn phòng nhỏ đó là phòng đa chức năng. Vừa là nơi thờ cúng, ăn, ngủ, nhà bếp, nơi làm việc…
Gia đình ông Tư Hóa không khá giả gì, vậy mà hơn 40 năm qua, ông đã cưu mang hơn 20 phần cơm mỗi ngày giúp người già neo đơn, tàn tật. Năm 1978, ông Tư Hóa về địa phương và tham gia công tác bài trừ tệ nạn xã hội, hội chữ thập đỏ, xóa đói giảm nghèo, tổ trưởng dân phố…
Trong quá trình đi nắm bắt tình hình, ông Tư Hóa đã chứng kiến rất nhiều cảnh đời cơ cực, người già neo đơn, tàn tật, không nơi nương tựa, sống chen chúc ở gầm cầu thang hay góc kẹt chung cư. Đêm về nhà, ông trằn trọc mãi và sáng hôm sau quyết định lo cơm cho những trường hợp khó nhọc.
Hết lòng vì người già cơ nhỡ
Gần một năm qua, ông Tư Hóa bị đau thần kinh tọa. Việc đi đứng gặp khó khăn nhưng hàng xóm vẫn thấy ông duy trì việc đưa cơm bình thường. Ông lôi bọc thuốc từ trong hộc tủ đưa cho chúng tôi xem, rồi vỗ vỗ cái lưng và nói: “Có chú bác sĩ ở gần đây biết tin tôi bị bệnh đã nhờ người nhà mang thuốc đến cho tôi. Kỳ lạ thiệt! Đi mấy bước thì đau nhói ở cột sống, nhưng chạy xe đem cơm cho người già thì không đau”.
Căn nhà nhỏ như vậy làm sao nấu hơn 20 phần cơm cho các ông bà? Phụ cấp của ông Tư Hóa chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng, làm sao đủ chi phí để nấu cơm? Ông Tư Hóa phẩy tay: “Vợ chồng, con cái tôi chỉ nấu nướng 2 ngày cuối tuần, coi như thay đổi khẩu vị cho các ông bà già. Mấy ngày trong tuần, tôi đi lấy cơm. Buổi trưa thì ghé quán cơm 2.000 đồng trên đường Nguyễn Cư Trinh mua 20 phần.
Thông thường, quán cơm xã hội không bán đem về mà chỉ phục vụ tại chỗ, nhưng mấy người ở quán cơm biết việc tôi làm, nên hỗ trợ. Tuy nhiên, họ không có hộp, bao ni lông để đựng cơm, thức ăn, tôi phải “gối đầu” mỗi ngày. Thời gian đầu cũng vất vả lo bữa chiều, nhưng nhờ người quen giới thiệu tôi với cô Nguyễn Ngọc Huệ - chủ doanh nghiệp cung cấp phần ăn cho các trường học, công sở. Thời gian qua, cô Ngọc Huệ đã hỗ trợ miễn phí các suất ăn chiều”.
Năm tháng dần trôi, do tuổi già, sức yếu… số phần ăn của các người già neo đơn mà ông Tư Hóa cưu mang bao nhiêu năm qua đã tụt giảm. Tính đến nay còn 13 người vẫn trông chờ phần cơm của ông Tư Hóa. Dù mình cũng chẳng mạnh khỏe hơn ai, dù tiền bạc không nhiều, nhưng ông Tư Hóa vẫn tâm niệm tiếp tục lo đủ phần cơm cho những người già cơ nhỡ, bệnh tật.
Ông Tư Hóa cho biết thêm: “Năm nào cũng vậy, vào dịp tết, các mạnh thường quân đều hỗ trợ kinh phí để gia đình tôi kho thịt tặng các người già cơ nhỡ. Tết năm nay, có một Việt kiều Úc về nước ăn tết đã đến tận nhà nhờ tôi trao cho các ông, bà mỗi người 300.000 đồng. Mừng quá”.