Hơn 40 năm chèo thuyền chở bộ đội ra đảo

Đó là ông Mai Bảo (69 tuổi, ở Khu tái định cư Ba Đồng, thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Suốt hơn 40 năm qua, dù không một đồng lương, không tiền phụ cấp, nhưng ông đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng, để ngày đêm miệt mài chèo thuyền vượt sóng gió biển khơi chở bộ đội, tiếp tế lương thực thực phẩm ra đảo Sơn Dương an toàn.
Hơn 40 năm chèo thuyền chở bộ đội ra đảo

Đó là ông Mai Bảo (69 tuổi, ở Khu tái định cư Ba Đồng, thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Suốt hơn 40 năm qua, dù không một đồng lương, không tiền phụ cấp, nhưng ông đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng, để ngày đêm miệt mài chèo thuyền vượt sóng gió biển khơi chở bộ đội, tiếp tế lương thực thực phẩm ra đảo Sơn Dương an toàn.

Ông Mai Bảo (bìa trái) trong một lần chụp ảnh kỷ niệm chung với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.

Bất chấp hiểm nguy

Một ngày cuối tháng 3-2015, từ TP Hà Tĩnh vượt hơn 74km, chúng tôi tìm về Khu tái định cư Ba Đồng - nằm dưới chân đèo Con, huyện Kỳ Anh. Trong ngôi nhà cấp 4 vừa di chuyển từ xóm chài ven biển về khu tái định cư, ông Mai Bảo và vợ là bà Hoàng Thị Át (68 tuổi) cùng các con đang ngồi lau chùi, sắp xếp chỉn chu lại những hình ảnh kỷ niệm mà ông Bảo chụp chung với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình… và hàng chục bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương, huy chương… của các cấp, bộ, ngành Trung ương, địa phương đã tặng thưởng cho ông vì những cống hiến to lớn cho xã hội, cho bộ đội trên đảo Sơn Dương hơn 40 năm qua.

Do dầm mưa dãi nắng quá lâu với nghề đi biển, kết hợp với những năm tháng ở chiến trường rừng núi, nên từ năm 2013, ông Bảo bắt đầu đổ bệnh đau khớp chân, bị bại liệt phải ngồi xe lăn, đái tháo đường, tai biến, không nói được. Khi chúng tôi đến, vợ ông Bảo đành thay mặt chồng kể lại cuộc hành trình hơn 40 năm chèo thuyền chở bộ đội ra đảo Sơn Dương. Bà Át nhớ lại, năm 1970, ông Bảo xung phong lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào. Giữa năm 1971, ông trở về địa phương và được điều ra vùng hồ Kẻ Gỗ, Cẩm Minh, Kỳ Phong… tiếp tục tham gia kháng chiến, đảm bảo các tuyến đường giao thông huyết mạch Bắc - Nam. Đến năm 1972, ông về địa phương lập nghiệp và xây dựng gia đình với bà Át, rồi sinh được 5 người con (3 trai, 2 gái, hiện đã lập gia đình riêng sống hạnh phúc tại huyện Kỳ Anh). Thời điểm năm 1972, do hoàn cảnh gia đình khó khăn và để duy trì cuộc sống, vợ chồng ông vay vốn về đóng mới một chiếc thuyền chèo bằng tay, hàng ngày ông đi biển đánh bắt cá, tép, bán lấy tiền nuôi sống cả gia đình.

“Một ngày đầu năm 1972, các chú bộ đội ở huyện đội Kỳ Anh vào nhờ giúp chở ra đảo Sơn Dương công tác. Mặc dù lúc đó trời tối, mưa gió rất to, sóng biển vỗ mạnh, nhưng ông Bảo vẫn nhận lời ngay. Bộ đội đóng quân trên đảo cũng như con cái, hàng xóm láng giềng của mình. Khi thấy họ khó khăn, dù có phải đối mặt với nguy hiểm tính mạng, chúng tôi vẫn sẵn sàng nhận lời tình nguyện chở họ ra đảo an toàn. Kể từ chuyến đi đầu tiên đó, cái duyên chèo thuyền đưa bộ đội ra vào đảo Sơn Dương đã ngấm sâu vào máu thịt, hơi thở của ông Bảo. Thấm thoắt mà đã hơn 40 năm, giờ không nhớ có bao nhiêu lần, có bao nhiêu lượt bộ đội đã được ông chở ra vào đảo công tác an toàn nữa”, bà Át nhớ lại.

Bà Át cho biết, năm 1972, đảo Sơn Dương rất hoang vu, chỉ có đơn vị bộ đội của huyện đội Kỳ Anh đóng quân. Muốn ra được đảo và ngược lại đều phải dùng thuyền chèo bằng tay (lúc đó chưa có thuyền máy). Thuyền của ông Bảo đánh bắt cá gần đảo, nên hàng ngày bất kể sóng to biển động, mưa bão hay máy bay Mỹ quần thảo ném bom bắn phá ác liệt, ông Bảo vẫn bám trụ luồn lách chèo thuyền đưa bộ đội, tiếp tế lương thực, thực phẩm ra đảo đảm bảo an toàn. Ông Bảo luôn xem việc chèo thuyền giúp bộ đội trên đảo vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương Tổ quốc, cũng chính là trách nhiệm của bản thân mình, vì vậy không hề đòi hỏi bất kỳ chế độ đãi ngộ hay một đồng tiền công nào.

Không chỉ chở bộ đội ra đảo Sơn Dương và từ đảo quay trở vào đất liền an toàn, ông Bảo còn biến ngôi nhà nhỏ của vợ chồng trở thành địa điểm tiếp đón, bố trí ăn ở, nghỉ ngơi, sơ cấp cứu chữa bệnh ban đầu mỗi khi có bộ đội về phép hay có công việc ở đất liền.

Ông Mai Bảo và vợ

“Bố Bảo”

Với phương châm sống “thương người như thể thương thân”, “giúp người là giúp mình”, suốt hơn 40 năm qua, ông Bảo và chiếc thuyền nhỏ của mình đã vượt qua biết bao sóng gió, hiểm nguy, miệt mài giúp chở bộ đội, tiếp tế lương thực, thực phẩm từ đất liền ra vào đảo Sơn Dương an toàn. Chính sự hy sinh thầm lặng đó, mà ông Bảo luôn được cán bộ, chiến sĩ bộ đội huyện đội Kỳ Anh, chính quyền và nhân dân địa phương thán phục, gọi với cái tên rất trìu mến là “bố Bảo”. Đặc biệt, từ khi ông đổ bệnh không còn chèo thuyền được nữa, thì hàng năm, hàng tháng, các cán bộ, chiến sĩ bộ đội từng được ông đưa ra đảo Sơn Dương dù chuyển công tác xa hoặc gần, họ vẫn dành thời gian ghé về đây thăm hỏi, động viên sức khỏe, tặng quà cho ông và gia đình.

Ghi nhận những công lao đóng góp của ông Bảo đối với bộ đội trên đảo Sơn Dương, từ năm 2014, Nhà nước quyết định hỗ trợ cho ông Bảo số tiền 800.000 đồng/tháng. Ngày 1-9-2009, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ký quyết định tặng bằng khen cho ông vì “Đã có công lao giúp bộ đội trên đảo Sơn Dương từ năm 1972 đến nay”; năm 2009, ông được vinh danh trong chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ VII - 2009 - Tôn vinh Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và hội nhập, những tấm gương bình dị mà cao quý; ngày 22-8-2012, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ký quyết định tặng bằng khen cho ông vì “Đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng giao thông và đảm bảo trật tự an toàn giao thông” và “Kỷ niệm chương vì đã có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển giao thông vận tải Việt Nam”. Ngoài ra, ông Bảo còn được nhiều cơ quan Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh và huyện Kỳ Anh tặng thưởng hàng chục bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương, huy chương… các loại.

Ông Trần Văn Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Lợi, cho biết, những công lao mà ông Bảo đóng góp suốt hơn 40 năm qua cho bộ đội trên đảo Sơn Dương có ý nghĩa rất to lớn. Đặc biệt, từ tháng 3-2014, dù cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng ông Bảo là một trong những người tiên phong thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong giải phóng mặt bằng, tự tháo dỡ nhà cửa, nhường lại đất đai cho dự án của Tập đoàn Formosa triển khai tại xã Kỳ Lợi, để đến ở Khu tái định cư mới Ba Đồng dưới chân đèo Con - cách chỗ ở cũ trên 15km. Gia đình ông Bảo xứng đáng là gương sáng điển hình xuất sắc để mọi người học tập noi theo…

Sơn Dương là hòn đảo tiền tiêu nằm về phía Nam của tỉnh Hà Tĩnh, diện tích hơn 1km2, cách cảng biển Vũng Áng gần 4 hải lý. Đây là một hòn đảo đẹp, hoang sơ với nhiều hệ thống hang động và dốc đá tai mèo được phủ kín bởi màu xanh của các loài cây, thảm thực vật tự nhiên. Năm 1972, trong chiến tranh ác liệt, một trung đội pháo của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kỳ Anh được cử ra đảo Sơn Dương để cắm chốt, ngăn chặn các cuộc tập kích từ xa của máy bay và tàu chiến Mỹ.

Hiện nay, đảo có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong kế hoạch tác chiến khu vực phòng thủ của Quân khu 4 nói chung và tỉnh Hà Tĩnh nói riêng, trong việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, bảo đảm an ninh, quốc phòng, an toàn cho tàu thuyền ra vào cảng Vũng Áng, cho Khu kinh tế Vũng Áng và hoạt động đánh bắt của ngư dân trên biển…

DƯƠNG QUANG

Tin cùng chuyên mục