Nhiều năm qua, cá tra là đối tượng nuôi phổ biến ở vùng ĐBSCL với hơn 5.400ha/năm, sản lượng khoảng 1,42 triệu tấn. Tuy nhiên, gần đây tình hình sản xuất, ương cá tra giống gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của xâm nhập mặn, dịch bệnh diễn biến phức tạp như bệnh gan thận mủ, xuất huyết xảy ra ở giai đoạn ương, khiến tỷ lệ con giống sống thấp, chất lượng đàn cá bố mẹ chưa đáp ứng yêu cầu… Bên cạnh đó, ngành hàng cá tra bị nhiều rào cản từ nhà nhập khẩu về chống bán phá giá, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, việc đầu tư phát triển giống cá tra là vấn đề cấp bách nhằm góp phần nâng cao chất lượng cá tra thương phẩm.
Hiện tại, cồn Chính Sách (tỉnh Đồng Tháp) và cồn Vĩnh Hòa (tỉnh An Giang) nằm giữa sông Tiền, có diện tích tự nhiên 500ha. Khu vực này thuận lợi về nguồn nước ngọt (đầu nguồn sông Tiền) nên việc ương dưỡng giống thủy sản các loại, đặc biệt là giống cá tra rất tốt. Cái khó là hạ tầng chưa được đầu tư, nên chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất quy mô lớn, theo hướng công nghệ cao. Để phát huy lợi thế ngành hàng cá tra theo hướng chất lượng cao, bền vững gắn với liên kết chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế, UBND tỉnh Đồng Tháp và An Giang thống nhất đề xuất Bộ NN-PTNT xem xét hỗ trợ kinh phí đầu tư dự án “Liên kết sản xuất cá tra giống chất lượng cao cồn Chính Sách, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp và cồn Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang”, theo hướng sản xuất giống cá tra tập trung.
Mục tiêu của dự án là hình thành vùng trọng điểm sản xuất cá tra giống, ứng dụng đồng bộ khoa học công nghệ mới, nhằm tạo ra nguồn con giống chất lượng cao cung cấp cho các vùng nuôi thương phẩm, phục vụ chế biến xuất khẩu. Dự án với dự kiến kinh phí hơn 350 tỷ đồng, trong đó phần vốn đầu tư các hạng mục công trình ở cồn Chính Sách (Đồng Tháp) là 200 tỷ đồng, đầu tư các hạng mục công trình ở cồn Vĩnh Hòa (An Giang) là 150 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 - 2023.