Đây là một trong những hoạt động nằm trong dự án phòng, chống một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và các bệnh không lây nhiễm phổ biến thuộc Chương trình mục tiêu y tế - dân số năm 2018. Theo số liệu của Tổ chức ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL), năm 2018 thế giới có 18,1 triệu trường hợp mắc mới ung thư và 9,6 triệu trường hợp tử vong do ung thư. Trong khi đó, tại Việt Nam, hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư. Năm 2018, cả nước ước có 164.671 ca mới mắc ung thư và hơn 114.800 trường hợp tử vong.
Đến nay, kết quả điều trị ung thư lệ thuộc chủ yếu vào việc phát hiện bệnh ở giai đoạn nào. Giai đoạn sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn nhiều loại ung thư như: vú, dạ dày, đại tràng, vòm họng...
Ở giai đoạn muộn, việc điều trị ung thư vừa tốn kém, ít hiệu quả, chủ yếu chỉ có thể kéo dài và giảm nhẹ triệu chứng bệnh. Do đó mọi người dân, nhất là những người sau tuổi 40, hoặc có yếu tố nguy cơ cao, hay các trường hợp tiền sử gia đình có người mắc ung thư cần khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc phát hiện sớm ung thư.