Ngày 25-10, tại hội nghị khoa học toàn quốc năm 2018 với chủ đề “Phòng chống các bệnh không lây nhiễm” do Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tổ chức, GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế nêu rõ, mặc dù ngành Y tế có nhiều nỗ lực trong việc kiểm soát bệnh không lây nhiễm nhưng tình trạng gia tăng căn bệnh này tại Việt Nam vẫn ở mức báo động.
Nguyên nhân của tình trạng này là do nhiều người dân chưa có ý thức phòng ngừa bệnh, vẫn còn 45% dân số nam giới hút thuốc lá, 77% dân số uống rượu, chế độ dinh dưỡng không phù hợp, số người thừa cân béo phì không ngừng tăng. Tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, nguy cơ tim mạch, ung thư, tâm thần được phát hiện sớm và quản lý điều trị còn thấp ở mức dưới 50%.
Các bệnh không lây nhiễm đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam, cứ 10 người tử vong thì có 7 người mắc và tập trung ở các bệnh như: tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính.
Trong đó đáng lo ngại là bệnh ung thư liên tục gia tăng số người mắc trong gần 20 năm qua. PGS.TS Bùi Diệu, nguyên Giám đốc Bệnh viện K cho biết, nếu như năm 2000, Việt Nam có 68.000 ca mắc mới bệnh ung thư, đến năm 2010 con số này là 126.000 người và dự báo đến năm 2020 là hơn 190.000 ca. Đáng lưu ý, hiện trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, tương ứng với hơn 310 người chết vì căn bệnh quái ác này mỗi ngày. PGS.TS Bùi Diệu cũng chỉ rõ không chỉ số lượng người bệnh ung thư gia tăng mà chi phí điều trị các bệnh ung thư cũng liên tục gia tăng. Do đó việc phát hiện sớm các trường hợp mắc ung thư giúp cho công tác điều trị đơn giản hơn và chi phí chỉ bằng 20% so với điều trị muộn.
Theo WHO, hiện nay bệnh không lây nhiễm đang trở thành gánh nặng lớn về kinh tế, dự báo trong 20 năm tới, toàn thế giới sẽ mất đi 47.000 tỷ USD do các bệnh không lây nhiễm gây ra. Tại Việt Nam, các bệnh không lây nhiễm gây ra 73% các trường hợp tử vong hàng năm và trong số đó có đến 40% tử vong trước 70 tuổi.