Ngày 20-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, TP Hà Nội đã ghi nhận 2.605 trường hợp mắc cúm, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Nếu như giai đoạn từ tháng 1-4, số ca mắc dưới 400 người/tháng, đến tháng 5 có số mắc tăng lên 556 ca, tháng 6 tăng vọt lên 887 ca. Số ca mắc cúm tập trung nhiều nhất ở nhóm dưới 5 tuổi (chiếm tới 44,1%), tiếp theo là từ 18-49 tuổi (chiếm 39,7%).
Trong khi đó, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đang ghi nhận số người mắc cúm tới khám, điều trị tăng rất cao. Trong đó chỉ tính riêng nửa đầu tháng 7-2022, bệnh viện tiếp nhận khám và sàng lọc cho 1.068 ca nghi nhiễm cúm, lớn hơn số ca nghi nhiễm cúm cả 6 tháng đầu năm cộng lại.
Trong số này, trên 375 ca có kết quả test nhanh dương tính với cúm và có tới 366 ca dương tính với cúm A. Số trường hợp có chỉ định nhập viện là 71 ca...
Trước số người mắc cúm mùa, đặc biệt là cúm A đang gia tăng bất thường tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm mùa tại cộng đồng và tại các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt tại các khu vực nguy cơ cao như: cơ sở nuôi dưỡng trẻ, trung tâm bảo trợ xã hội, khu thuê trọ, khu sinh sống của công nhân… để kịp thời phát hiện và xử lý sớm các khu vực có nhiều bệnh nhân, hạn chế thấp nhất số ca mắc bệnh và tử vong.
Đồng thời rà soát, kiện toàn lại các đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch, chuẩn bị đầy đủ cơ số trang thiết bị phòng chống dịch để sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi dịch lây lan trên địa bàn.
Theo các bác sĩ, bệnh cúm thường gia tăng ca mắc vào giai đoạn thời tiết lạnh, nhất là mùa đông xuân nên với việc số người mắc cúm tăng cao vào mùa hè là những dấu hiệu bất thường.
Để phòng ngừa bệnh cúm A nói riêng và cúm mùa nói chung, Bộ Y tế khuyến cáo, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm, người dân cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; tiêm vaccine cúm mùa; hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết...
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.