Tham dự, chỉ đạo và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Hơn 400 đại biểu trong nước, quốc tế cùng khoảng gần 10.000 đại biểu tại các điểm cầu là thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy, sở ngành, các ban đại diện hội đồng quản trị ngân hàng chính sách xã hội cấp huyện, đại diện của các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác các cấp trong cả nước.
Trong 5 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 226.560 tỷ đồng, tăng hơn 91.000 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Nguồn vốn ngân sách các địa phương ủy thác để cho vay tăng 15.697 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 31,3%, tăng gấp 4,1 lần so với giai đoạn trước khi có Chỉ thị 40, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đạt 19.505 tỷ đồng. Huy động vốn của xã hội đạt hơn 31.500 tỷ đồng, tăng hơn 25.000 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội đạt 219.565 tỷ đồng với tổng số tiền đã giải ngân đạt 336.944 tỷ đồng cho trên 12 triệu lượt hộ được vay vốn. Hơn 2,1 triệu lượt hộ đã thoát nghèo một cách bền vững. Đã xây dựng trên 7,3 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 142.000 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách…. Bên cạnh đó, đã có gần 346.000 lượt học sinh sinh viên được vay tín dụng học tập. Hơn 1,3 triệu lượt người được vay vốn chính sách để tạo công ăn việc làm; 24.000 lượt người được vay vốn đi xuất khẩu lao động…
Có thể khẳng định, chính sách tín dụng xã hội là một trụ cột quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Đây cũng là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn cho người nghèo. Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2014-2019, số hộ nghèo giảm nhanh, trong đó tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 giảm từ 14,2% xuống 4,25%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 9,88% (2015) xuống còn 5,23% (2018); 1,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 900.000 lao động, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông dân, nông thôn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, giảm nghèo bền vững vẫn là một thách thức lớn trong bối cảnh hội nhập nhanh và sâu rộng đang làm giãn khoảng cách thu nhập giàu nghèo. Tái nghèo luôn rình rập bởi thiên tai, lũ lụt. Nguồn vốn ngân sách Trung ương dành cho giảm nghèo đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ ưu tiên dành nguồn lực nhưng còn hữu hạn so với nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách.
Xuất phát từ thực tế, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tham mưu, đề xuất với Ban Bí thư nhằm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trong thời gian tới.
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta là phát triển kinh tế phải đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Nhờ những chủ trương và chính sách đúng đắn của Đảng đối với các đối tượng chính sách trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, công tác xóa đói giảm nghèo ở nước ta trong thời gian qua đạt được những kết quả nổi bật. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống chỉ còn dưới 3% vào năm 2020; Việt Nam đã sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc, trở thành hình mẫu cho các quốc gia đang phát triển về xóa đói giảm nghèo. Trong số các chính sách phát triển kinh tế xã hội được triển khai trong thời gian qua, tín dụng chính sách xã hội là một điểm sáng, được đánh giá là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện tốt chương trình tín dụng chính sách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 40 cũng chính là làm tốt công tác dân vận tại cơ sở, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, triển khai tín dụng chính sách một cách chủ động, kịp thời cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn hiện nay được xem là một trong các giải pháp đặc biệt cấp bách, quan trọng, có ý nghĩa rất lớn, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện ổn định công ăn, việc làm, ổn định cuộc sống.
Hội nghị trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 22 tập thể và cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác tham mưu, chỉ đạo và triển khai thực hiện Chỉ thị 40; Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho 25 tập thể, cá nhân; 60 Bằng khen của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho 60 tổ trưởng tổ tiết kiệm, vay vốn.