Thầy Phan Hồ Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ cho biết, chương trình không chỉ giúp học sinh nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng chống bạo lực học đường mà còn giúp các em hiểu hơn về ý nghĩa của tình yêu thương trong cuộc sống, đặc biệt trong bối cảnh học sinh chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ các nguồn thông tin tiêu cực trên mạng xã hội hiện nay.
Buổi nói chuyện đã chạm đúng sự quan tâm và nhu cầu tìm hiểu của học sinh nên nhận được nhiều sự tương tác và chia sẻ của các em.
Em Lâm Lê Hồng Phát, Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Công Trứ cho biết, do tác động từ nhiều phía, học sinh hiện nay dễ có xu hướng gây ra bạo lực học đường hoặc trở thành nạn nhân bị bạo lực học đường một cách vô tình hay có chủ ý.
Học sinh khối 12 được yêu cầu nhắm mắt, suy nghĩ về những cách thể hiện tình yêu thương |
Do đó, các buổi sinh hoạt về chủ đề phòng chống bạo lực học đường rất cần thiết giúp học sinh rèn luyện kỹ năng phòng tránh và bảo vệ bản thân.
“Thế hệ gen Z tụi em thường có tâm lý rất nhạy cảm cả về thể chất lẫn tinh thần. Bản thân em từng chứng kiến nhiều trường hợp các bạn gặp vấn đề về tâm lý, bị xâm hại về tinh thần nhưng không dám nói hoặc không có cơ hội chia sẻ ra. Vì vậy, khi có thêm một kênh thông tin đáng tin cậy để chia sẻ và hỗ trợ giải quyết vấn đề khi cần thiết là cơ hội tốt giúp các bạn yên tâm được sống và học tập trong môi trường thân thiện, an toàn”, Hồng Phát bày tỏ.
Không ít giọt nước mắt đã rơi khi học sinh có cơ hội chia sẻ những câu chuyện về học cách chia sẻ yêu thương, biết quan tâm và giúp đỡ người khác |
Cùng suy nghĩ, Lê Quỳnh Anh, học sinh lớp 11A9 chia sẻ, để phòng chống bạo lực học đường, bản thân em luôn cố gắng giữ cho mình tinh thần vững chãi, suy nghĩ tích cực, loại bỏ những mối quan hệ độc hại. Bên cạnh đó, học sinh này hiểu được rằng bên cạnh em luôn có gia đình, thầy cô và bạn bè. Khi bị bạo lực học đường, hãy tìm đến người thân yêu nhất để được bảo vệ và chia sẻ.
Chuyên gia giáo dục kỹ năng sống Nguyễn Hiểu Linh phân tích, hiện nay trong nhiều gia đình hiện đại thường xảy ra bất đồng quan điểm giữa bố mẹ và con cái.
Trong đó, bố mẹ trách con không chịu nghe lời, con lại trách bố mẹ không hiểu mình, không lắng nghe con nói.
“Con người ai cũng mong muốn đối phương lắng nghe mình nhưng lại không nhiều người biết cách lắng nghe. Sự yêu thương khó diễn giải thành lời, càng không thể được thấu hiểu nếu không có sự lắng nghe”, chuyên gia Nguyễn Hiểu Linh cho biết.
Các em chăm chú lắng nghe chia sẻ của diễn giả tại chương trình |
Cũng theo các chuyên gia, tâm lý chung của con người là thích được khen và sợ bị người khác chê trách, phán xét. Do đó, nhiều học sinh không dám nói lên ước mơ của mình, không dũng cảm theo đuổi đam mê, chỉ biết phấn đấu làm theo những gì người khác mong muốn.
Chính vì lý do đó, khi được tạo cơ hội chia sẻ suy nghĩ, tình cảm thật sự trong lòng mình, các em mới là chính mình, dũng cảm bước ra khỏi những vỏ bọc an toàn, dám phản biện và đấu tranh vì mục tiêu của bản thân.
Bắt tay nhau và chia sẻ tình yêu thương tưởng chừng là hành động nhỏ nhưng lại mang ý nghĩa to lớn đối với mỗi học sinh |
TS. Nguyễn Thành Tô, người sáng lập chương trình "Chạm tới yêu thương" - dự án hỗ trợ tâm lý cho học sinh bậc THPT và THCS cho biết, chương trình sẽ triển khai tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trở thành một người bạn đồng hành về tâm lý với học sinh thông qua các kênh tư vấn qua điện thoại, e- mail, zalo, facebook, tin nhắn…
Dịp này, ban tổ chức cũng trao tặng 20 suất học bổng cho 20 học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn cố gắng vươn lên trong học tập, tham gia tích cực các hoạt động của nhà trường.