Hội chợ là cầu nối để đưa du lịch Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung trở thành trung tâm du lịch hàng đầu Việt Nam và trong khu vực.
Hội chợ có gần 400 gian hàng đến từ trên 30 tỉnh, thành phố và từ 12 quốc gia, vùng lãnh thổ. Dự kiến sẽ có trên 2.000 doanh nghiệp và trên 30.000 lượt khách Việt Nam và quốc tế đến tham gia.
Sự khác biệt của VITM Đà Nẵng 2022 là hội chợ tập trung vào B2B - tức là tổ chức cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế làm việc, trao đổi sản phẩm, ký kết hợp tác trao đổi khách nhằm thu hút khách vào Việt Nam, qua đó thúc đẩy nhanh khôi phục du lịch quốc tế cũng như tổ chức cho các đoàn đi khảo sát các điểm du lịch tại một số trung tâm du lịch của Việt Nam. Trong chương trình làm việc với buyer trong nước, các đơn vị sẽ xây dựng chương trình hợp tác, phối hợp kinh doanh trao đổi khách quốc tế và nội địa, khai thác các sản phẩm vùng miền, nhằm đổi mới sản phẩm cho khách quốc tế.
Dự kiến hội chợ thu hút trên 150 buyer quốc tế (doanh nghiệp lữ hành quốc tế từ thị trường Tây Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á) và gần 200 buyer trong nước đến làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam. Hội chợ với trên 2.500 cuộc hẹn giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước là hoạt động B2B lớn nhất từ trước đến nay của ngành du lịch.
Bên cạnh đó, hội chợ diễn ra nhiều sự kiện quan trọng như hội thảo về “Phát triển du lịch biển đảo - thách thức và giải pháp”, “Truyền thông hiệu quả trên nền tảng số dành cho các doanh nghiệp du lịch”…
Theo ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, sau gần 9 tháng mở cửa trở lại kể từ ngày 15-3-2022, ngành Du lịch Việt Nam đã và đang từng bước phục hồi, phát triển theo hướng tích cực. Đến nay, nước ta đã đón 2,7 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ gần 100 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch hơn 457 nghìn tỷ đồng. Các hoạt động, sự kiện du lịch đang ngày càng sôi động và mở rộng về quy mô với các nội dung, chủ đề phong phú, đặc sắc.
Với mục tiêu sớm phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ, cũng như để du lịch Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, vị thế của mình trong khu vực, toàn ngành sẽ tiếp tục phấn đấu hơn nữa. Các địa phương cũng như các doanh nghiệp cần đẩy mạnh kết nối lại thị trường, liên kết, hợp tác, hình thành các sản phẩm mới; thu hút, trao đổi khách giữa các địa phương, các điểm đến; củng cố, nâng cao đội ngũ lao động du lịch với chất lượng nghiệp vụ cao; đổi mới trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, hình ảnh, đất nước với con người Việt Nam. Trên cơ sở đó, ngành Du lịch Việt Nam mới có thể phát triển bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.