VKSND TPHCM truy tố với 254 bị can về 11 tội danh gồm: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Giả mạo trong công tác”, “Sản xuất, mua bán, trao đổi, tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật”, “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”, “Tham ô tài sản”, “Lợi dụng, chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 354, 359, 364, 365, 285, 341, 174, 289, 353, 356 Bộ luật Hình sự.
Theo đại diện VKS, đây là vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế có quy mô đặc biệt lớn và gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý nhà nước đối với hoạt động đăng kiểm phương tiện xe cơ giới và phương tiện thủy nội địa xảy ra trong thời gian dài, mang tính hệ thống. Hành vi sai phạm diễn ra từ các trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới, các chi cục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, đến phòng kiểm định xe cơ giới, phòng tàu sông và đơn vị quản lý cao nhất là Cục ĐKVN.
Các bị can là lãnh đạo Cục ĐKVN, lãnh đạo các phòng, đến lãnh đạo các trung tâm, chi cục đăng kiểm đã đưa ra chủ trương, cùng nhau thống nhất chủ trương để chỉ đạo các đăng kiểm viên cấp dưới, các nhân viên làm việc ở các trung tâm, chi cục nhận tiền từ các chủ phương tiện cần phải đăng kiểm, cần phải thẩm định hồ sơ thiết kế, cần được cấp thông báo năng lực xưởng… để bỏ qua lỗi, bỏ qua các điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật, an toàn lao động, bảo vệ môi trường…
Cáo trạng xác định, cựu Cục trưởng Cục ĐKVN Trần Kỳ Hình phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nhận hối lộ số tiền hơn 7,1 tỷ đồng; cựu Cục trưởng Đặng Việt Hà chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nhận hối lộ số tiền hơn 40,2 tỷ đồng, trong đó Đặng Việt Hà được hưởng lợi 8,5 tỷ đồng và 113.000 USD.
Đến nay, các bị can trong vụ án đã tự nguyện giao nộp lại số tiền thu lợi bất chính với tổng số tiền là hơn 46 tỷ đồng (trong đó giao nộp trong giai đoạn truy tố là 7,8 tỷ đồng) và 113.000 USD.
Theo VKS, đáng chú ý, bên cạnh các sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm, các cơ quan tiến hành tố tụng còn phát hiện việc có hành vi đưa hối lộ trong đấu thầu khi cung cấp các dây chuyền kiểm định xe cơ giới tại các trung tâm đăng kiểm; bỏ qua những thủ tục, yêu cầu khi thực hiện đấu thầu, nhằm được thắng thầu trái quy định pháp luật do Công ty TNHH Việt Nét thực hiện.
Theo cáo trạng, hiện nay có 280 trung tâm đăng kiểm trên cả nước sử dụng 340 dây chuyền kiểm định do 4 công ty cung cấp. Trong đó, Công ty TNHH Việt Nét cung cấp 125 dây chuyền kiểm định nhãn hiệu Beissbarth.
Từ năm 2015 đến nay, trong quá trình hoạt động kinh doanh, Công ty TNHH Việt Nét có chủ trương trong việc thoả thuận, chung chi tiền mặt hoặc chuyển khoản với số tiền khoảng 10% trị giá hợp đồng để được cung cấp dây chuyền kiểm định hoặc khoảng 5% giá trị hợp đồng để được cung cấp trang thiết bị nâng cấp dây chuyền kiểm định cho giám đốc hoặc một số đối tượng tại 40 trung tâm đăng kiểm thuộc 26 tỉnh, thành phố. Tổng số tiền Việt Nét đã chung chi là 14 tỷ đồng cho 21 trung tâm có vốn nhà nước và 19 trung tâm khối D.