Nhiều nút thắt trong phát triển công nghiệp
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho rằng, nền kinh tế bền vững dựa trên nền tảng công nghiệp sản xuất. Bởi nền tảng sản xuất mới đáp ứng yêu cầu phục vụ người tiêu dùng và tránh nguy cơ bị phụ thuộc. Định hướng của thành phố đã khẳng định, dù TPHCM hướng đến phát triển hiện đại, công nghệ cao nhưng vẫn đặt trọng tâm cho phát triển sản xuất. Thực tế phải thừa nhận rằng, ngành công nghiệp sản xuất của thành phố đang bị lạc hậu, tỷ trọng thâm dụng lao động cao, giá trị gia tăng thấp. Do vậy, cần thiết phải thay đổi trong tư duy, hành động của lãnh đạo các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thành phố trong việc chuyển đổi sản xuất công nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan (ngồi, thứ hai từ phải qua) lắng nghe ý kiến đóng góp của chuyên gia kinh tế về định hướng phát triển ngành công nghiệp thành phố |
Cùng chia sẻ về vấn đề này, nhiều ý kiến chuyên gia chỉ rõ 5 hạn chế mà ngành công nghiệp thành phố đang gặp phải.
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp ở mức thấp. Năm 2010 công nghiệp TPHCM chiếm 15,38% giá trị tăng thêm ngành công nghiệp cả nước, đến năm 2021 chỉ còn chiếm 8,7%.
Thứ hai, môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh còn nhiều bất cập. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố liên tục suy giảm, từ cao nhất là hạng 4 năm 2014 rơi xuống hạng 27 năm 2022.
Thứ ba, tái cơ cấu ngành công nghiệp còn chậm. Tỷ trọng giá trị tăng thêm của công nghiệp công nghệ cao có tăng trưởng nhưng vẫn thấp hơn mức bình quân của cả nước. Riêng 4 ngành công nghiệp trọng yếu chưa tạo ra đột phá trong phát triển công nghiệp thành phố. Số lượng doanh nghiệp công nghiệp đa số có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, năng lực cạnh tranh hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu. Thành phố cũng chưa có lĩnh vực công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp nổi trội, mang tính định hướng, dẫn dắt.
Thứ tư, cơ cấu phân bố không gian công nghiệp dàn trải, chưa khai thác tốt lợi thế cạnh tranh của thành phố. Sau thời gian phát triển, hệ thống khu công nghiệp, cụm công nghiệp bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu bền vững, ảnh hưởng đến không gian phát triển đô thị, dịch vụ và các ngành kinh tế khác.
Thứ năm, liên kết trong phát triển sản xuất công nghiệp còn lỏng lẻo. Hợp tác viện, trường, doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu phát triển, giáo dục đào tạo còn mờ nhạt. Cùng với đó, việc hợp tác, sản xuất, cung ứng giữa khu vực doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI còn hạn chế. Liên kết vùng trong phát triển công nghiệp yếu và kém hiệu quả. Mô hình cụm liên kết ngành công nghiệp chưa phát triển, chưa thúc đẩy việc sản xuất theo chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, nhất là ở các khâu có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao.
Giải pháp phải đồng bộ
Trước thực tế trên, ông Nguyễn Mạnh Linh, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương, Bộ Công thương cho rằng, có 5 giải pháp mà TP cần triển khai đồng bộ để cải thiện năng lực cho ngành công nghiệp.
Thứ nhất, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh công nghiệp thuận lợi, ổn định, minh bạch. Đẩy mạnh số hóa các thủ tục hành chính. Nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (chỉ số PAPI). Về thu hút đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm, cả về nhà đầu tư và lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án có giá trị gia tăng và tác động lan tỏa cao.
Thứ hai, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, khai thác triệt để cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế của thành phố. Xác định và tập trung nguồn lực để phát triển các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp trọng yếu, công nghiệp hỗ trợ, nhằm tạo động lực và tác động lan tỏa để phát triển các ngành công nghiệp, ngành kinh tế khác. Tái cơ cấu không gian phát triển công nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, kết hợp hài hòa giữa phát triển hạ tầng công nghiệp với hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội.
Thứ ba, tăng cường các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp. Nghiên cứu, đổi mới các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu quốc tế, chủ động tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, tự động hóa và xanh hóa hoạt động sản xuất, tận dụng tốt các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển hệ thống các dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp, nhất là sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Thứ tư, thúc đẩy liên kết trong sản xuất công nghiệp. Tổ chức các hoạt động kết nối, tăng cường liên kết, giao lưu, trao đổi thông tin giữa Viện, Trường và doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI. Phát triển và hình thành các cụm liên kết ngành. Mở rộng chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng trong các ngành công nghiệp trọng yếu. Thúc đẩy liên kết nội vùng và liên vùng trong phát triển công nghiệp, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò hạt nhân phát triển vùng.
Thứ năm, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong sản xuất công nghiệp. Đổi mới chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu phát triển và đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp. Xã hội hóa và nâng cao chất lượng các trường đại học, cơ sở dạy nghề, viện nghiên cứu. Đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính để phát triển công nghiệp nhanh, bền vững và bao trùm. Nghiên cứu, ban hành các chính sách đột phá để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ, nhất là các công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ số. Hình thành vùng đổi mới sáng tạo với trung tâm là khu công nghệ cao thành phố. Ưu tiên phát triển các vườn ươm công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo.