Mỏi mòn chờ đợi
Ngồi trong căn nhà cũ nát, cựu chiến binh Lê Văn Trễ trình bày: Năm 1983, sau nhiều năm chiến đấu tại chiến trường Campuchia, ông ra quân trở về địa phương nhưng sức khỏe giảm sút. Thương con, năm 1984, cha ông (ông Lê Văn Bê) cho con trai 1.760m² đất để xây nhà và làm ăn sinh sống, tạo dựng cuộc sống.
Năm 2001, gia đình nhận thông báo thu hồi khu nhà đất để giao cho Công ty cổ phần Địa ốc 10 làm dự án. Công ty cùng chính quyền địa phương tiến hành kiểm kê, đo vẽ và đền bù cho gia đình 299,5 triệu đồng. Trong đó, 200m² đất ở được đền bù giá 700.700 đồng/m², 202m² đất gò được đền bù giá 130.000 đồng/m² và 1.244m² đất ruộng được đền bù giá 80.000 đồng/m².
Cũng như nhiều hộ dân trong khu phố 5 bị thu hồi đất, gia đình ông Lê Văn Trễ không đồng ý và đã làm đơn khiếu nại do công ty đền bù không đủ diện tích, giá đền bù quá thấp, chưa cấp nền tái định cư. Ngày 7-12-2001, UBND phường Phước Long A đã có Văn bản số 159/UB trả lời: “Nếu sau này có văn bản thay đổi hoặc điều chỉnh giá mới thì chủ đầu tư sẽ đền bù bổ sung phần chênh lệch”.
Tin lời cam kết của cán bộ phường và chủ đầu tư, gia đình nhận số tiền đền bù ít ỏi rồi chờ nhận nền tái định cư, tiền hỗ trợ chênh lệch để chuyển nhà, tạo dựng nơi ở mới. Thế nhưng, hơn 20 năm trôi qua, ông Lê Văn Trễ vẫn sống trong căn nhà cũ, ngày càng xuống cấp, nhưng chủ đầu tư không bố trí tái định cư, hỗ trợ tiền chênh lệch. Nhà cũ xuống cấp, bị dột nhiều chỗ nhưng gia đình muốn sửa chữa, chống dột cũng không được vì nhà đất đã bị thu hồi.
Mới đây, gia đình nhận được thông báo của chủ đầu tư rằng sẽ báo cáo cơ quan cảnh sát điều tra do gia đình không tự tháo dỡ nhà trên phần đất của công ty, khiến bệnh mất ngủ của tôi càng trầm trọng”.
Đền bù chưa công bằng
Ông Lê Văn Trễ cho biết, gia đình chỉ mong chủ đầu tư đền bù đủ diện tích và công bằng như các gia đình xung quanh. Theo ông, thực hiện Văn bản số 159/UB, chủ đầu tư đã tiến hành hỗ trợ tiền chênh lệch nhưng mức giá đền bù lại khác nhau. Nhà đất có cùng nguồn gốc nhưng gia đình ông được hỗ trợ thêm 258 triệu đồng (làm tròn), mức giá hơn 100.000 đồng/m²; trong khi ông Lê Văn Bê (cha ông) được hỗ trợ 3,5 triệu đồng/m².
Trường hợp ông Nguyễn Văn Đứa (ngụ 44B, tổ 4, khu phố 5) có diện tích đất thu hồi là 557m², được hỗ trợ tiền chênh lệch khoảng 3,4 triệu đồng/m². Các gia đình lân cận như hộ Nguyễn Thị Chừng, Trần Văn Dũng, Trần Văn Tuấn ngoài việc nhận tiền hỗ trợ cao hơn, còn sớm nhận nền tái định cư để xây dựng nhà ở mới.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Phạm Trọng Hiếu, Chủ tịch UBND phường Phước Long A, cho biết, chính quyền ủng hộ chủ đầu tư trong việc phát triển dự án, chỉnh trang đô thị nhưng cần phải đảm bảo quyền lợi chính đáng cũng như công bằng khi thu hồi đất của người dân.
Những gia đình bị thu hồi nhà đất phải có nơi ở mới, được đền bù đầy đủ, thỏa đáng để đủ điều kiện tạo dựng cuộc sống mới. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người dân có nhà cửa ổn định nhưng sau giải tỏa không còn nhà ở. Phường sẽ giám sát, đôn đốc việc đền bù, không để người dân thiệt thòi, nhất là các gia đình chính sách, cựu chiến binh.
“Còn việc chủ đầu tư đã chậm đền bù lại gửi thông báo sẽ báo công an, gây hoang mang lo lắng, ảnh hưởng tinh thần, sức khỏe của ông Trễ, phường sẽ sớm kiểm tra và có phương án giải quyết phù hợp”, ông Phạm Trọng Hiếu khẳng định.