Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 20 đoàn đại biểu quốc tế xác nhận tham dự, trong đó có 3 đoàn cấp cao, 4 đoàn cấp bộ trưởng trở lên và đại diện hơn 15 chính đảng từ các châu lục. TPHCM cũng đã tiếp nhận xác nhận từ hơn 20 địa phương kết nghĩa và nhiều cá nhân nước ngoài từng đóng góp tích cực trong phong trào phản chiến, chống chiến tranh xâm lược Việt Nam. “Sự tham dự của các đoàn quốc tế thể hiện tình cảm và sự gắn bó bền chặt với Việt Nam, đồng thời cho thấy tầm vóc và ý nghĩa sâu sắc của sự kiện lần này”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Một điểm đặc biệt trong chương trình năm nay là lần đầu tiên khối diễu hành sẽ có sự góp mặt của đoàn kiều bào tiêu biểu, với hơn 120 đại biểu từ hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thành phần đoàn không chỉ có những người từng gắn bó với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc mà còn có đông đảo trí thức, nghệ sĩ, doanh nhân trẻ tiêu biểu.
Phát biểu giới thiệu về các hoạt động kỷ niệm được tổ chức tại TPHCM dịp này, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, chương trình Lễ kỷ niệm cấp quốc gia được tổ chức vào sáng 30-4, tại tuyến đường Lê Duẩn, quận 1 và một số tuyến đường trung tâm TPHCM. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình TPHCM và các Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương.
Trước đó vào ngày 29-4, TPHCM tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng.

Từ ngày 19 đến 30-4, tại TPHCM diễn ra chuỗi hoạt động chào mừng, gồm: Lễ hội “Sắc màu Thành phố Bác” với điểm nhấn là trình diễn nghệ thuật 3D mapping tại mặt tiền trụ sở UBND TPHCM kết hợp ánh sáng, âm thanh và nhạc giao hưởng - hợp xướng. Đặc biệt, đêm 19-4 trình diễn 2.000 thiết bị bay không người lái (drone), kết hợp pháo hoa nghệ thuật thắp sáng bầu trời thành phố, mang lại trải nghiệm ngoạn mục cho khán giả.
Triển lãm điện ảnh “Âm vang đại thắng mùa Xuân 1975”, với 300 ảnh tư liệu quý, chiếu phim cộng đồng vào đêm 27 và 28-4, tại sân khấu Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế. Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Ngày hội Thống nhất non sông” được tổ chức và truyền hình trực tiếp trên toàn quốc tại Hội trường Thống nhất, TPHCM, vào tối 30-4. Chương trình nghệ thuật ngoài trời “Đất nước trọn niềm vui” vào ngày 20-4, tại hội trường Thống Nhất; chương trình hòa nhạc đặc biệt chủ đề “Bản giao hưởng Hòa bình” vào tối 21-4, tại Nhà hát TPHCM; cầu truyền hình cấp quốc gia “Vang mãi khúc khải hoàn” vào ngày 27-4, tại điểm cầu TPHCM; chương trình nghệ thuật đặc biệt do Bộ VH-TT-DL chủ trì phối hợp với TPHCM tổ chức vào ngày 29-4, tại phía trước Hội trường Thống Nhất…
Tính đến thời điểm hiện tại, có hơn 600 phóng viên cơ quan báo chí trong nước, 122 phóng viên báo chí nước ngoài đăng ký tham gia tác nghiệp tại các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết sẽ tổ chức "Tuần lễ báo chí" từ 25-4 đến 1-5 dành cho phóng viên nước ngoài là những phóng viên chiến trường; phóng viên từ các nước có ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh; phóng viên kiều bào để thể hiện sự tri ân đối với sự đóng góp, ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh, đồng thời giới thiệu các tour du lịch lịch sử dành riêng cho phóng viên.