Hơn 1.800 tỷ đồng xây cầu đường sắt, đường bộ mới bắc qua sông Đuống

Sáng 22-7, tại xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội, Bộ GTVT đã phối hợp với UBND TP Hà Nội khởi công dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống mới). Dự án gồm một cầu đường sắt và một cầu đường bộ, thay thế cho cầu Đuống hiện tại.
Phối cảnh cầu đường sắt bắc qua sông Đuống mới, do Bộ GTVT phối hợp với UBND TP Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức thi tuyển
Phối cảnh cầu đường sắt bắc qua sông Đuống mới, do Bộ GTVT phối hợp với UBND TP Hà Nội và Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức thi tuyển

Trong đó, cầu đường sắt và đường dẫn có chiều dài 1.000m, nằm cách cầu Đuống cũ về phía thượng lưu khoảng 16,5m, trùng vị trí dự kiến đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi.

Cầu đường sắt gồm 6 nhịp dầm thép và dàn thép, đảm bảo cho đường sắt đơn khổ lồng 1.000mm và 1.435mm, tốc độ thiết kế 80km/h, tĩnh không thông thuyền giai đoạn đầu 7m, giai đoạn hoàn thiện là 9,5m; tĩnh không đường chui dưới cầu đảm bảo trên 4,75m. Cầu có bố trí đường cho người đi bộ 1 bên phải tuyến.

Hạng mục cầu đường bộ và đường dẫn có chiều dài 700m, nằm cách cầu Đuống cũ khoảng 100m về phía hạ lưu. Riêng phần cầu đường bộ dài 382m, được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, kết hợp hệ dây văng.

Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống có tổng mức đầu tư 1.848,62 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 là 650,82 tỷ đồng, bằng nguồn ngân sách nhà nước, được giao cho Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, cầu Đuống cũ đi chung đường sắt và đường bộ tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT và thường xuyên ùn tắc. Chính vì vậy, Chính phủ đã cân đối nguồn lực để xây dựng dự án cầu đường sắt Đuống mới. Dự án có ý nghĩa quan trọng với hệ thống giao thông vận tải quốc gia, từng bước tăng cường năng lực vận tải đường thủy trên hành lang đường thủy số 1, đảm bảo cho các phương tiện đường thủy, đường sắt lưu thông thông suốt, an toàn. Bộ GTVT sẽ đôn đốc các đơn vị quản lý, thi công dự án đảm bảo triển khai đúng tiến độ.

Sau khi hoàn thành cầu Đuống mới, cầu Đuống hiện nay sẽ được phá bỏ. Cây cầu này được xây dựng từ năm 1902 với công năng kết hợp giao thông đường bộ và đường sắt (tuyến Hà Nội - Đồng Đăng), có tĩnh không thấp, chỉ đạt 2,8m tại thời điểm nước cao; bề rộng khoang thông thuyền nhịp giữa chỉ khoảng 26m. Đây là điểm nghẽn, làm tăng thời gian, chi phí vận tải bằng đường thủy từ các tỉnh phía Bắc đến các cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh.

Tin cùng chuyên mục