Sau hơn 1 năm triển khai, thông qua nền tảng Hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth), các cơ sở y tế đã thực hiện 120 buổi hội chẩn cho hơn 1.800 ca bệnh Covid-19 chuyển biến nặng; giúp xử lý kịp thời và tận dụng được thời điểm vàng để chữa trị cho các bệnh nhân.
Ngày 11-8, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel) cho biết, đến nay, sau hơn 1 năm triển khai (từ tháng 4-2020), nền tảng Telehealth đã có hơn 200 bệnh viện thường xuyên tham gia hội chẩn với gần 600 buổi hội chẩn; hơn 200 buổi đào tạo chuyên môn đã được tổ chức; 35 ca tư vấn phẫu thuật từ xa; hơn 1.600 hồ sơ bệnh án được gửi lên hệ thống. Trong đó, các cơ sở y tế đã thực hiện 120 buổi hội chẩn cho hơn 1.800 ca bệnh Covid-19 chuyển biến nặng; giúp xử lý kịp thời và tận dụng được thời điểm vàng để chữa trị cho các bệnh nhân.
Các y bác sĩ tại các bệnh viện đang tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 cho biết nền tảng Telehealth là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên và giảm bớt tiếp xúc giữa bệnh nhân với bác sĩ.
Nền tảng Telehealth đã phát huy tối đa công dụng trong tư vấn, điều trị bệnh nhân Covid-19 thời gian vừa qua
Tại lễ công bố kết nối nền tảng Telehealth tới 100% tuyến huyện và ra mắt Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng: việc kết nối 100% cơ sở y tế tuyến huyện với nền tảng Telehealth có ý nghĩa rất lớn với công tác điều trị, giúp nâng cao năng lực chuyên môn của các trung tâm y tế tuyến huyện. Với sự giúp đỡ của các bác sĩ giỏi nhất đến từ các bệnh viện tuyến Trung ương, các trung tâm y tế tuyến huyện sẽ có đủ năng lực, đủ tự tin, tận dụng “giờ vàng” để cứu chữa cho bệnh nhân, giảm tối đa tử vong. Tuyến dưới có thể tự tin chữa bệnh sẽ giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Điều này thực sự có ý nghĩa tại thời điểm hiện nay khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp.
Thủ tướng cũng nhận định, về lâu dài, nền tảng khám chữa bệnh từ xa Telehealth cũng là hệ thống hạ tầng quan trọng phục vụ khám chữa bệnh từ xa, từ cơ sở với mọi loại bệnh tật khác nhau nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, phục vụ nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định, về lâu dài, Bộ Y tế sẽ áp dụng đăng ký khám chữa bệnh online cho tất cả người dân, đẩy mạnh áp dụng các thành tựu công nghệ về dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo,… vào quản lý và khám chữa bệnh.
Thông qua nền tảng Telehealth , các bệnh viện tuyến huyện đã dễ dàng tiếp cận, làm việc với những bác sĩ dầu ngành trên cả nước Ngay từ khi dịch Covid-19 mới xuất hiện tại Việt Nam, Viettel đã đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng CNTT vào công tác phòng, chống bệnh. Trong đó, nền tảng Telehealth đã và đang phát huy hiệu quả khi cho phép hội chẩn từ xa cho các ca bệnh khó, đặc biệt là các ca bệnh Covid-19 đang chuyển biến nặng.
Bên cạnh đó, Viettel cũng đã triển khai nền tảng Quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia với khả năng đáp ứng 5 triệu mũi/ngày phục vụ yêu cầu tiêm chủng tăng cường, mở rộng của Bộ Y tế.
TRẦN BÌNH