Chương trình tiêm chủng mở rộng (hơn 2,5 tỷ đồng) nhằm mục tiêu đảm bảo tỷ lệ bao phủ các loại vaccine theo chỉ tiêu do Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia đề ra, tiến tới khống chế và loại trừ một số bệnh có vaccine phòng ngừa; củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống tiêm chủng.
Chương trình phòng chống bệnh truyền nhiễm (hơn 46 tỷ đồng) nhằm mục tiêu giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm so với trung bình hàng năm giai đoạn 2016-2020; khống chế kịp thời, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh bùng phát góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế xã hội.
Chương trình phòng chống HIV/AIDS (gần 15 tỷ đồng) với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, góp phần thực hiện mục tiêu chung của chiến lược quốc gia nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030; khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới mức 0,54%, tỷ lệ nhiễm mới HIV trong cộng đồng dân cư dưới mức 0,03%. Đồng thời bình thường hóa bệnh HIV/AIDS, tạo môi trường thuận tiện, cung cấp các dịch vụ thân thiện, tránh sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; góp phần giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển.
Chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm (hơn 10,5 tỷ đồng) nhằm mục tiêu tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ mắc bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường (bệnh không lây nhiễm) nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chương trình dinh dưỡng (hơn 3,6 tỷ đồng) nhằm mục tiêu thực hiện dinh dưỡng hợp lý để cải thiện tình trạng dinh dưỡng, hạn chế sự gia tăng thừa cân, béo phì, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người dân TPHCM.
Chương trình y tế học đường (hơn 1,5 tỷ đồng) với mục tiêu tăng cường công tác bảo vệ, giáo dục và chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp… bảo đảm cho tất cả người học trên địa bàn thành phố được phát triển, hoàn thiện toàn diện về thể chất, tinh thần, trí tuệ và hành vi lối sống; góp phần giảm tỷ lệ mắc bệnh, kiểm soát và hạn chế các yếu tố nguy cơ phát sinh và gia tăng của các bệnh truyền nhiễm; phát hiện sớm bệnh tật học đường phổ biến hiện nay nhằm nâng cao sức khỏe để người học tập, rèn luyện tốt hơn.
Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá (hơn 1,8 tỷ đồng) nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, từ đó góp phần làm giảm tỷ lệ người dân hút thuốc lá, giảm tỷ lệ người dân hút thuốc lá thụ động.
Chương trình phòng chống tác hại rượu, bia (hơn 1,8 tỷ đồng) nhằm truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của rượu, bia góp phần giảm tỷ lệ sử dụng rượu, bia trong cộng đồng; triển khai hiệu quả các biện pháp sàng lọc phát hiện sớm, tư vấn, can thiệp giảm tác hại cho người có yếu tố nguy cơ sử dụng rượu, bia.
Chương trình chăm, sóc và nâng cao sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp (hơn 270 triệu đồng) nhằm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, khuyến khích lối sống, dinh dưỡng lành mạnh nơi làm việc; phòng chống bệnh tật, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động, bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố.
Chương trình giám sát chất lượng nguồn nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt và quản lý nhà tiêu hộ gia đình (hơn 5,6 tỷ đồng) nhằm giám sát các loại hình cung cấp nước sạch của người dân trên địa bàn và nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ giám sát nước của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC); Trung tâm Y tế quận huyện, TP Thủ Đức; Trạm Y tế phường, xã nhằm đáp ứng được công tác được giao theo kế hoạch hàng năm.
Nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng nước an toàn và khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng nước máy trong sinh hoạt hàng ngày. Truyền thông nâng cao nhận thức về đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm dần số lượng nhà vệ sinh trên sông, vận động người dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phòng chống các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe người dân.
Hoạt động tập huấn, hướng dẫn công tác quản lý chất thải tại các cơ sở y tế (60 triệu đồng) nhằm mục tiêu triển khai công tác quản lý chất thải y tế và các văn bản liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trong khuôn viên cơ sở y tế.
Hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu (hơn 609,1 triệu đồng) mục tiêu nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế nhằm phòng ngừa, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ của môi trường, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới hệ thống y tế, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.
Chương trình phòng chống bệnh lao (hơn 2,6 tỷ đồng) nhằm tiếp tục triển khai các hoạt động can thiệp tích cực, phát hiện chủ động, chẩn đoán sớm và quản lý bệnh nhân lao, lao kháng thuốc, bảo đảm chất lượng điều trị, tăng tỷ lệ người thử đàm phát hiện trong dân số, tăng tỷ lệ điều trị thành công, giảm số tử vong do bệnh lao và tăng cường chẩn đoán, điều trị bệnh lao tiềm ẩn.
Chương trình phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản (hơn 535,6 triệu đồng) nhằm chủ động phát hiện sớm, khống chế không để gia tăng và tiến tới giảm tỷ lệ mắc bệnh cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản, nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Chương trình phòng, chống bệnh phong (94 triệu đồng) nhằm duy trì thành quả loại trừ bệnh phong quy mô cấp thành phố, cấp quận; hướng tới thanh toán bệnh phong để bệnh phong không còn là vấn đề y tế cộng đồng.
Chương trình phòng, chống nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (hơn 104 triệu đồng) nhằm hạ thấp tỷ lệ mắc nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (STI), từ đó góp phần hạ thấp tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng, hướng tới mục tiêu loại trừ 3 bệnh lây truyền gồm HIV, giang mai, viêm gan siêu vi B truyền từ mẹ sang con.
Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng (gần 1,2 tỷ đồng) nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần, dự phòng các rối loạn tâm thần; đảm bảo cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế và xã hội hiệu quả và công bằng, thúc đẩy sự hồi phục, bảo vệ quyền con người …
Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích (hơn 854 triệu đồng) nhằm nâng cao năng lực phòng, chống tai nạn thương tích tại cộng đồng, góp phần giảm tỷ lệ mắc, tử vong và tàn tật do tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn giao thông, đuối nước, tai nạn lao động, tại nạn sinh hoạt, bạo lực gia đình.
Chương trình dân số và phát triển (hơn 70,5 tỷ đồng) đã được UBND TPHCM phê duyệt tại Kế hoạch số 1004/KH-UBND ngày 22-3-2023 về hoạt động công tác dân số năm 2023 tại TPHCM.
Chương trình sức khỏe sinh sản tập trung vào chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (hơn 732 triệu đồng) nhằm mục tiêu cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, tập trung vào cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.