Ngày 6-1, Bệnh viện Từ Dũ tổ chức Hội nghị “Hiếm muộn Từ Dũ mở rộng” với chủ đề “Thách thức và giải pháp nâng cao hiệu quả hỗ trợ sinh sản” nhằm cập nhật những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các phương pháp điều trị hiếm muộn.
Phát biểu tại hội nghị, ThS-BS Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, đã có rất nhiều kỹ thuật hỗ trợ sinh sản mang về Việt Nam và mang lại hiệu quả cao như: bơm tinh trùng vào buồng tử cung; thụ tinh trong ống nghiệm; tiêm tinh trùng vào bào tương noãn; phương pháp trưởng thành noãn trong ống nghiệm; thụ tinh ống nghiệm xin noãn; thụ tinh ống nghiệm xin tinh trùng, xin phôi; hỗ trợ phôi thoát màng; phẫu thuật lấy tinh trùng; trữ lạnh phôi, tinh trùng và noãn...
"Đến nay, Việt Nam có hơn 150.000 trẻ em được sinh ra từ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, trong đó chủ yếu là thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Đó là 150.000 niềm hạnh phúc vỡ òa, mang lại niềm hy vọng cho các cặp vợ chồng và các gia đình”, ThS-BS Đinh Anh Tuấn thông tin; đồng thời cho biết, lĩnh vực hỗ trợ sinh sản vẫn còn nhiều thách thức về điều kiện kinh tế, chính sách; đặc biệt có nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở pháp luật để buôn bán tinh trùng, buôn bán noãn, buôn bán phôi, thậm chí là buôn bán trẻ em…
Theo BS.CK2 Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, từ năm 1997, bệnh viện thực hiện kỹ thuật IVF và 3 đứa trẻ sinh ra lần đầu tiên vào ngày 30-4-1998. Đến nay, số lượng trẻ ra đời bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản, đặc biệt là IVF tại Bệnh viện Từ Dũ hơn 17.000 em (chiếm khoảng 20% trên cả nước).
Hội nghị “Hiếm muộn Từ Dũ mở rộng” năm nay có sự tham gia của các báo cáo viên đến từ các bệnh viện lớn, có kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, như Bệnh viện Từ Dũ, Hùng Vương, Mỹ Đức, Phụ sản Cần Thơ… Các báo cáo viên trình bày về những chủ đề nóng và mới nhất trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, như: Xu hướng mới bảo tồn sinh sản với kỹ thuật trữ mô buồng trứng; ứng dụng sản phẩm giàu tiểu cầu với sự tái tạo nội mạc tử cung; quan điểm mới về vai trò progesteron trước chuyển phôi; ứng dụng timelapse trong thụ tinh ống nghiệm hiện đại; cá thể hóa kích thích buồng trứng với Gonadotropin; trữ phôi toàn bộ có nên là mô hình chuẩn trong thụ tinh ống nghiệm?...