Hơn 13.700 gia đình ở Hà Nội có sử dụng người giúp việc, lương tháng từ 5-7 triệu đồng

Số người giúp việc gia đình tại Hà Nội tăng trong những năm gần đây, phần lớn là lao động nữ và trên 18 tuổi.

Sở LĐTB-XH Hà Nội vừa có báo cáo Bộ LĐTB-XH về tình hình thực hiện quy định pháp luật đối với lao động giúp việc gia đình trên địa bàn thành phố. Theo báo cáo, hiện nay, Hà Nội có trên 13.700 hộ gia đình sử dụng khoảng 13.800 lao động giúp việc gia đình.

Số người giúp việc gia đình tăng trong những năm gần đây, chủ yếu làm các nghề như: quản gia, nội trợ, chăm sóc người già, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, lái xe, làm vườn. Đa số người giúp việc là lao động nữ và chủ yếu ở cùng gia đình người sử dụng lao động, chiếm khoảng 80%. Số lao động giúp việc trên 18 tuổi chiếm hơn 95% tổng số lao động giúp việc gia đình.

images1650336_Lao___ng_gi_p_vi_c_d_n_d_p_nh__c_a_cho_m_t_gia___nh___ph__ng_7__TP._V_ng_T_u__2_.jpg
Phần lớn người giúp việc gia đình ở Hà Nội là nữ giới. Hình minh họa

Về chế độ đãi ngộ, người sử dụng lao động trả tiền lương giúp việc gia đình cao hơn mức lương tối thiểu vùng nơi người lao động làm việc, dao động từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, đa phần “Osin” được người sử dụng lao động thưởng tháng lương thứ 13 vào dịp Tết Nguyên đán, cũng như được bố trí chỗ ăn ở, trả tiền tàu xe khi thôi việc về nơi cư trú.

Đặc biệt, Sở LĐTB-XH Hà Nội cũng cho biết, trên địa bàn TP Hà Nội trong những năm qua không ghi nhận trường hợp vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật, như: ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động, giao việc ngoài hợp đồng, giữ giấy tờ tùy thân của người lao động giúp việc gia đình.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động phải trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền Bảo hiểm xã hội (BHXH) và Bảo hiểm y tế (BHYT) để người lao động chủ động tham gia 2 chính sách này nhưng đa phần người lao động giúp việc gia đình không tham gia BHXH, tỷ lệ tham gia BHYT còn thấp.

Tin cùng chuyên mục