Ngày 6-10, Sở GTVT TPHCM cho biết, UBND TP chấp thuận cho 2 công ty đầu tư nâng cấp hệ thống thu phí sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng tại 2 trạm thu phí ở TPHCM.
Theo đó, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO đầu tư Trạm thu phí An Sương - An Lạc thuộc dự án BOT cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1, đoạn An Sương - An Lạc; Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) đầu tư Trạm thu phí Xa lộ Hà Nội thuộc dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội và Quốc lộ 1 (đoạn từ ngã ba Trạm 2 cũ đến nút giao Tân Vạn) thực hiện theo hình thức BOT.
Cụ thể, Trạm thu phí An Sương - An Lạc trên tuyến Quốc lộ 1 (quận Bình Tân) gồm 1 trạm chính và 6 trạm phụ. Trạm chính bố trí trên tuyến Quốc lộ 1 theo 2 hướng lưu thông. Các trạm phụ bố trí tại các tuyến đường nhánh bao gồm Bà Hom, Hương Lộ 2, Tân Kỳ - Tân Quý, Vĩnh Lộc và Gò Mây.
Giai đoạn 1 đầu tư 4 làn thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng ETC tại trạm thu phí chính, mỗi hướng lưu thông 2 làn và 13 làn ở các trạm phụ.
Giai đoạn 2, đầu tư thêm 4 làn thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ điện tử tự động không dừng ETC kế tiếp 4 làn giai đoạn 1, nâng tổng số làn thu lên 8 làn, mỗi hướng lưu thông 4 làn.
Hệ thống đảm bảo xử lý với tốc độ xe qua trạm tối đa 40 km/giờ giai đoạn 1 và 120 km/giờ giai đoạn 2. Xử lý được các trường hợp nhiều xe nối đuôi nhau, đi sát nhau.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 88 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ nay đến năm 2018.
Đối với Trạm thu phí trên Xa lộ Hà Nội, giai đoạn 1 đầu tư 4 làn thu phí điện tử tự động không dừng ETC, mỗi hướng lưu thông 2 làn.
Giai đoạn 2 làm thêm 4 làn, nâng tổng số làn của 2 giai đoạn lên 8 làn, mỗi hướng lưu thông 4 làn. Tổng mức đầu tư giai đoạn 2 hơn 35 tỷ đồng.
Trong quá trình triển khai dự án, chủ đầu tư thực hiện đầy đủ, theo đúng quy định về công tác giám sát, đánh giá đầu tư; quản lý đầu tư xây dựng, quản lý đấu thầu, quản lý chất lượng công trình, tiến độ, chi phí đầu tư, không để thất thoát lãng phí.
QUỐC HÙNG