Sáng 10-5, Bệnh viện Ung bướu TPHCM tổ chức Hội nghị khoa học kỹ thuật năm 2024, quy tụ các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ung thư tại Việt Nam.
Tại hội nghị, TS-BS Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, ung thư đã và đang là gánh nặng của các quốc gia trên thế giới. Tỷ lệ mắc mới và tử vong do ung thư tiếp tục gia tăng.
Số liệu GLOBOCAN 2022 vừa được công bố cho thấy, toàn thế giới ước tính có khoảng 19,9 triệu ca ung thư mới và 9,7 triệu ca tử vong. Tại Việt Nam, thống kê có khoảng 180.000 ca mắc mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư. 3 loại ung thư hàng đầu theo số ca tử vong gồm ung thư gan, phổi, dạ dày.
Theo TS-BS Diệp Bảo Tuấn, tỷ lệ mắc mới ung thư của nước ta ở mức trung bình nhưng tỷ lệ tử vong lại cao trong khu vực Đông Nam Á. Nguyên nhân là bệnh được phát hiện quá trễ. Theo thống kê, khoảng 50-80% bệnh nhân đến khám khi ung thư ở giai đoạn 3 và 4, kết quả điều trị không như mong đợi. Các chương trình tầm soát ung thư hiệu quả sẽ giúp phát hiện sớm bệnh, kéo giảm tỷ lệ tử vong, nâng cao chất lượng điều trị và giảm chi phí cho người bệnh. Đây cũng là một trong những giải pháp trong chiến lược phòng chống ung thư của TPHCM.
Riêng tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, năm 2023, bệnh viện tiếp nhận gần 800.000 lượt khám, thực hiện 37.000 ca phẫu thuật, hơn 180.000 lượt xạ trị, 300.000 lượt hoá trị, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch. Lượng bệnh nhân khám và điều trị ngày càng tăng.
Theo PGS-TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, sự kiện khoa học thường niên này là dịp nhìn lại bước tiến quan trọng trong lĩnh vực ung bướu của ngành y tế TPHCM.
PGS-TS Nguyễn Anh Dũng nhận định, việc điều trị ung thư rất tốn kém, đòi hỏi công nghệ cao, thiết bị hiện đại. Do đó, cần có những biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị hiệu quả. Đồng thời, cần tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao tay nghề y bác sĩ, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi ung thư.