Năm nay, số thí sinh tăng gần gấp 2,5 lần so với năm 2023. Thí sinh dự thi ở 291 phòng thi; trong đó, tại Quy Nhơn có 5 phòng thi, với 169 thí sinh. TP Đà Nẵng có 5 phòng thi, với 243 thí sinh. Hà Nội có 11 điểm thi, 281 phòng, với 11.125 thí sinh.
Theo đại diện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, điểm mới của kỳ thi năm nay là, ngân hàng câu hỏi được bổ sung, cập nhật, chú ý định hướng phương thức mới của Bộ GD-ĐT sau năm 2025. Ngoài ra, Hội đồng thi bố trí thêm hai điểm thi là Đại học Đà Nẵng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Thí sinh phải làm các bài thi: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Đề thi bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận, nhằm đánh giá năng lực học sinh ở mức độ thông hiểu, vận dụng và vận dụng sáng tạo để xét tuyển đại học.
Các câu hỏi có nội dung thuộc chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, được giảng dạy ở trường THPT theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Thí sinh lựa chọn đăng ký một số bài thi và sử dụng kết quả thi để đăng ký dự tuyển vào các ngành đào tạo đại học theo yêu cầu của mỗi trường đại học.
Nội dung các bài thi tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học, môn thi cấp THPT mà học sinh đã quen thuộc; thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy.
Đề thi có kết hợp trắc nghiệm và tự luận với tỷ lệ điểm phù hợp tùy theo bài thi, bao gồm các câu hỏi đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Kết quả bài thi được các trường đại học công nhận bao gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Quy Nhơn, Trường Đại học Y Dược Thái Bình.