Ngày 19-7, “Tuần lễ triển lãm sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ nội thất năm 2022” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố (ITPC) tổ chức chính thức khai mạc tại TPHCM. Tuần lễ triển lãm diễn ra từ ngày 19 đến 25-7, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19, ổn định sản xuất và tìm kiếm đối tác kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Triển lãm lần này quy tụ hơn 32 doanh nghiệp tiêu biểu của ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ của thành phố mang đến 1.132 sản phẩm chất lượng có mẫu mã đẹp, được chế tác kĩ thuật cao, sử dụng vật liệu mới, thân thiện môi trường.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn đạt 14,12 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm 2020. Đến nay, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 6 thế giới với hơn 4,0% thị phần thương mại đồ gỗ thế giới, đứng thứ hai châu Á và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Đây là mức tăng trưởng khá cao trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức, đóng góp không nhỏ vào việc tăng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Các sản phẩm gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt tại hơn 163 quốc gia trên thế giới, góp phần quảng bá các sản phẩm mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc đến bạn bè quốc tế.
Không còn là những sản phẩm được tạo hình đơn giản, chế tác thô sơ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ của Việt Nam ngày càng được quan tâm về thiết kế mỹ thuật, kỹ thuật chế tạo, tính ứng dụng và độ bền, cũng như các vấn đề liên quan đến môi trường và xã hội. Trong đó, vấn đề về nguồn gốc và tính hợp pháp của nguyên liệu sử dụng, các vấn đề liên quan đến an toàn và sức khỏe, sản xuất sạch thân thiện với môi trường… đặc biệt được chú trọng.
Thị hiếu và xu hướng tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ nội thất sử dụng nguyên liệu tận dụng và tái chế dự báo sẽ ngày càng được phát triển. Điều này tạo ra cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã, làng nghề truyền thống của Việt Nam khi hiện trạng sản xuất còn chưa tập trung, nhỏ lẻ, công nghệ thiết bị sản xuất chậm đổi mới, quản lý chất lượng và thiết kế chưa đáp ứng yêu cầu.
Ông Trần Phú Lữ, Phó Giám đốc phụ trách ITPC cho biết, để ngành hàng thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ Việt Nam có thể mạnh mẽ vươn ra thế giới, các doanh nghiệp cần xác định hướng chiến lược xuất khẩu giai đoạn 2022 – 2025 là xây dựng nguồn nguyên liệu gỗ ổn định. Ngoài nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu hợp pháp, phải mở rộng mô hình liên kết trồng rừng giữa doanh nghiệp chế biến gỗ với các hộ trồng rừng để xây dựng nguồn nguyên liệu trong nước ổn định và bền vững; tập trung đổi mới công nghệ thiết bị sản xuất và đào tạo nâng cao tay nghề người thợ; nâng cao năng lực thiết kế và quản trị chất lượng sản phẩm; quan tâm tiêu chí về môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phải đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại gắn kết chuỗi cung ứng toàn cầu, tập trung vào các nhóm mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường khác nhau, trong đó tập trung vào phân khúc thị trường trung và cao cấp.