Trước đó, theo kết quả khảo sát của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, có đến 82% sinh viên được khảo sát ở 10 trường đại học tham gia dự án cho biết đã sử dụng điện thoại di động khi lái xe. Cuộc khảo sát cũng cho biết, chỉ có 46,6% sinh viên có kiến thức đúng về các hình vi mất tập trung khi lái xe. Trong khi đó, có đến 71% sinh viên cho rằng các hành vi mất tập trung khi lái xe là bình thường, ít nguy hiểm hoặc thậm chí không gây nguy hiểm.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách, Ban An toàn giao thông TPHCM cảnh báo, việc sử dụng điện thoại di động khi lái xe khiến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông tăng gấp 4 lần so với trạng thái tập trung nếu phương tiện giao thông được điều khiển là ô tô. Con số này tăng cao hơn với 20,3 lần nguy cơ gây tai nạn giao thông nếu phương tiện giao thông là xe gắn máy.
"Tai nạn giao thông đã trở thành vấn đề bức xúc, mang tính toàn cầu, không chỉ trở thành thách thức đối với Việt Nam mà đối với nhiều nước trên thế giới. Tại TPHCM năm vừa qua có gần 700 người chết vì tai nạn giao thông, dù đã giảm hơn phân nửa so với các năm trước nhưng vẫn là vấn đề đáng báo động", ông Nguyễn Ngọc Tường cho biết.
Cũng theo phân tích của đại diện Ban An toàn giao thông TP, nguyên nhân của các vụ tai nạn có đến 90% xuất phát từ ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông, chỉ có 10% trường hợp do lỗi kỹ thuật của phương tiện, cơ sở hạ tầng bất cập. Trong đó, hơn 40% số vụ tai nạn do người điều khiển có sử dụng bia, rượu.
Hiện nay, theo khảo sát của Ban An toàn giao thông TP, chỉ có 6% người điều khiển phương tiện giao thông có ý thức tấp xe vào lề đường, dừng xe ở vị trí an toàn khi sử dụng điện thoại di động. Do đó, việc xây dựng văn hóa giao thông, đặc biệt đối với đối tượng là công dân trẻ của TP là hết sức quan trọng.