Ngày 22-8, Hội Doanh nhân trẻ TPHCM (YBA HCM) tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam năm 2024 (Vietnam CEO Forum 2024). Chương trình thu hút hơn 1.000 lãnh đạo doanh nghiệp tham gia.
Với chủ đề “Cải tiến hay cải cách – điều gì thực sự tạo nên sự tăng trưởng bền vững?", diễn đàn mong muốn hội tụ, gắn kết những nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà lãnh đạo và giới truyền thông để cùng lắng nghe, chia sẻ, thảo luận và tìm ra giải pháp cho các vấn đề thời sự mang tính “sống còn" của doanh nghiệp Việt Nam.
Diễn đàn được mở đầu với việc giải mã câu hỏi và những gợi mở về cải tiến cũng như cải cách. Qua đây, các diễn giả cũng đưa ra những xu hướng và tốc độ dịch chuyển của thế giới; việc ứng dụng cải tiến và cải cách như thế nào để phù hợp với doanh nghiệp Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á cũng như thách thức mà họ chuẩn bị phải đối mặt là điều trăn trở của rất nhiều doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc điều hành Marketing Vinamilk, việc thay đổi bộ nhận diện thương hiệu, bao bì trong năm 2023 vừa qua là một cải cách lớn và tạo đà bứt tốc trong tương lai, nâng tầm thương hiệu với chiến lược và định vị mới. Bộ nhận diện thương hiệu thể hiện rõ nét tính “táo bạo, quyết tâm, luôn là chính mình" và nguồn năng lượng trẻ trung và đầy khát khao.
Ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ, Chủ tịch YBA HCM, phân tích: Sau giai đoạn phát triển nhanh nhờ lợi thế về nhân công giá rẻ tài nguyên và những chính sách kích thích đầu tư thì các quốc gia đang phát triển sẽ đối mặt với “bẫy thu nhập trung bình".
Trong khi đó, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 được Quốc hội thông qua đặt mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao với nền kinh tế vận hành theo phương thức của kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng chủ yếu. Để đạt được những mục tiêu phát triển này và vượt qua “bẫy thu nhập trung bình", Việt Nam và các doanh nghiệp phải tìm kiếm những mô hình tăng trưởng mới mà nơi đó giá trị gia tăng dựa trên tính sáng tạo là nền tảng.
“Các doanh nghiệp cần tìm kiếm một mô hình mới mà ở đó giá trị gia tăng cao hơn, những giá trị được tạo ra từ hoạt động sáng tạo và đổi mới, đặc biệt là khả năng tưởng tượng, khả năng sáng tạo", ông Thông chỉ rõ.