Dự án được thực hiện với tổng kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng. Trong đó, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Chương trình tài trợ các dự án nhỏ - Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP) tài trợ hơn 1,1 tỷ đồng; phần còn lại từ nguồn vốn lồng ghép và đối ứng; giao cho Hội Nông dân phường Phổ Thạnh làm chủ dự án.
Được sự hướng dẫn của Tiến sĩ Lâm Ngọc Tuấn, Chuyên gia Sinh thái học Trường Đại học Đà Lạt, người dân vùng dự án đã xây dựng mô hình vườn ươm cây đưng. Đến nay, hơn 1.000 cây đưng đã được Hội Nông dân trồng thí điểm xung quanh đầm nước mặn.

Theo Hội Nông dân phường Phổ Thạnh, hệ sinh thái cây ngập mặn là một giải pháp hữu ích để lọc nước mặn đi vào ruộng muối Sa Huỳnh, giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt trên đầm nước mặn nhằm ngăn ngừa ô nhiễm từ vi nhựa và kim loại nặng.

Ông Nguyễn Thìn (phường Phổ Thạnh) nói: “Tương lai, đầm ngập mặn sẽ có một cánh rừng, chim chóc sẽ về, các loài thủy sản sinh sôi, do đó, ai cũng hưởng ứng tham gia trồng rừng ngập mặn”.
Ông Thái Thuận Lăng, Chủ tịch Hội Nông dân phường, cho biết: “Cây đưng được ươm từ giống bản địa, sau một thời gian trồng, cây phát triển tốt, phù hợp với khí hậu địa phương. Hội cũng tuyên truyền vận động người dân chung tay bảo vệ, chăm sóc rừng cây này, người dân đánh lưới, đánh cá cũng hạn chế, cách xa những hàng đưng để bảo vệ, không va chạm hoặc gây ảnh hưởng gốc cây đưng vừa mới trồng”.

Nghề làm muối Sa Huỳnh đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cuối năm 2024. Hiện nay để bảo tồn đồng muối truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng, ngoài hệ sinh thái cây ngập mặn, Hội Nông dân phường Phổ Thạnh phối hợp với doanh nghiệp nâng cao giá trị của muối biển truyền thống Sa Huỳnh, tạo đầu ra tốt cho diêm dân.