Hơn 100 thành phố tiên phong giảm phát thải ròng

Ủy ban châu Âu vừa thực hiện một bước quan trọng trong việc đẩy nhanh hành động về khí hậu bằng cách ra mắt Trung tâm vốn cho thành phố khí hậu, với sự tham gia của 112 thành phố. Mục tiêu nhằm đưa phát thải ròng khí gây hiệu ứng nhà kính về 0 vào năm 2050.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Trung tâm tài chính mới

A6A.jpg
Lisbon (Bồ Đào Nha) - 1 trong 33 thành phố đã được EIB phê duyệt kế hoạch khí hậu

Để biến tầm nhìn thành hiện thực, các thành phố tham gia sáng kiến “100 thành phố trung hòa khí hậu và thông minh” sẽ cần nguồn đầu tư tổng cộng 650 tỷ EUR. Nguồn vốn này sẽ được sử dụng cho các dự án cải tạo tòa nhà tiết kiệm năng lượng, nâng cấp cơ sở hạ tầng chống chịu biến đổi khí hậu và phát triển hệ thống giao thông xanh.

Các thành phố trên được chọn từ tổng cộng 377 thành phố đăng ký tham gia sáng kiến, gồm 100 thành phố thuộc Liên minh châu Âu (EU) và 12 thành phố ở các quốc gia đối tác. Các thành phố này đang phối hợp chặt chẽ với EU và tổ chức tư vấn phi lợi nhuận Ngân hàng không biên giới (BwB) xây dựng và triển khai kế hoạch hành động khí hậu cụ thể.

Ủy ban châu Âu đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá và phê duyệt kế hoạch của các thành phố, đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật thông qua Trung tâm vốn cho thành phố khí hậu. Trung tâm khuyến khích sự hợp tác giữa các thành phố, thúc đẩy mạng lưới nơi các phương pháp tiếp cận thành công có thể được chia sẻ và nhân rộng. Bằng cách học hỏi lẫn nhau, các thành phố có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang mức phát thải ròng bằng 0.

Ngoài ra, trung tâm này sẽ huy động vốn tư nhân thông qua bảo lãnh của chính phủ các nước và tạo điều kiện cho các dự án nhỏ vay vốn dễ dàng hơn. Trung tâm nói trên nhằm tận dụng khoản bảo lãnh của chính phủ các quốc gia để thu hút tài chính tư nhân và nhóm các dự án nhỏ thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài trợ riêng lẻ. Nguồn tài trợ công và tư có thể có nhiều hình thức, bao gồm thành lập các quỹ đầu tư địa phương hoặc phát hành trái phiếu để tài trợ một số dự án nhất định.

Nhận thấy rằng hành động về khí hậu không chỉ dừng lại ở việc giảm lượng khí thải carbon, trung tâm còn áp dụng cách tiếp cận toàn diện, như xem xét công bằng xã hội, khả năng phục hồi kinh tế và chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị. Bằng cách giải quyết nhiều khía cạnh của tính bền vững, trung tâm hướng tới mục tiêu tạo ra những thành phố thịnh vượng, kiên cường, ưu tiên phúc lợi của người dân.

Bước đi táo bạo

Với vai trò là ngân hàng khí hậu của châu Âu, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) sẽ hợp tác chặt chẽ với Trung tâm vốn nói trên để cung cấp tư vấn tài chính và kỹ thuật cho các thành phố. Đến nay, EIB đã phê duyệt kế hoạch khí hậu của 33 thành phố, trong đó có Lyon, Seville, Malmo, Lisbon và Florence. EIB hiện dành hơn 25% khoản vay cho dự án tại các thành phố và cam kết tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực hướng tới mục tiêu trung hòa khí hậu.

Ông Allison Lobb, Giám đốc điều hành của BwB, cho biết: “Trong lịch sử, các thành phố không phải là đối tác quan trọng của khu vực tư nhân, nhưng tiến độ có thể nhanh hơn nhiều nếu vốn tư nhân tham gia nhiều hơn”.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, các thành phố đóng góp tới 70% lượng khí thải CO2 toàn cầu, do vậy đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết thách thức biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu tác động nặng nề đến người dân thành phố, với gần một nửa số trường học và bệnh viện ở châu Âu nằm trong các “đảo nhiệt” đô thị. Đây là nơi các tòa nhà và đường sá tập trung với mật độ cao, hấp thụ nhiệt và nhiệt độ cao hơn đáng kể so với ở các khu vực xanh, làm tăng nguy cơ tử vong do say nắng đối với cư dân.

Vào tháng 4-2022, 112 thành phố này đã liên kết với chương trình nghiên cứu và đổi mới Horizon Europe của EU và đã được chọn tham gia sứ mệnh Thành phố Khí hậu (Mission Cities). Các thành phố này đang thử nghiệm các phương pháp tiếp cận liên ngành sáng tạo, bao gồm sự tham gia của người dân, sự quản lý của các bên liên quan và quản trị nội bộ… Cam kết quyết liệt này có thể giúp 112 thành phố trở thành trung tâm thí nghiệm và đổi mới, nhờ đó các thành phố ở châu Âu khác có thể đi theo vào năm 2050.

Theo trang Euractive, mục tiêu không phát thải ròng đến năm 2030 của các thành phố này tham vọng hơn so với hầu hết các chính phủ của 27 quốc gia EU và Anh, vốn đều đặt ra thời hạn đến năm 2050.

Theo giới quan sát, mặc dù tầm nhìn này còn nhiều thách thức ở phía trước, nhưng đã thể hiện một bước đi táo bạo và cần thiết hướng tới một tương lai bền vững. Bằng cách trao quyền cho các thành phố thực hiện hành động quyết định về khí hậu, sáng kiến góp phần vào nỗ lực toàn cầu nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu và tạo ra các trung tâm đô thị thịnh vượng, kiên cường.

Tin cùng chuyên mục