Hơn 100 người nhiễm ấu trùng sán dây lợn


Sau khi Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM công bố kết quả 108/904 người nhiễm ấu trùng sán dây lợn (heo gạo) tại các xã Phú Nghĩa, Đắk Ơ, Bù Gia Mập của huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) đã khiến nhiều người dân lo lắng. 

Qua công tác giám sát, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM đã phát hiện ổ bệnh sán dây lợn ở thôn Bù Gia Phúc 1, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Nghi ngờ heo bị nhiễm ấu trùng sán dây, viện đã cử đoàn công tác đến địa phương để điều tra, thu thập mẫu thịt heo nghi nhiễm bệnh để xét nghiệm, đồng thời tổ chức xét nghiệm ấu trùng bệnh heo gạo cho nhân dân khu vực. 

Kết quả, mẫu thịt heo bị nhiễm ấu trùng sán dây lợn với mật độ 50 - 70 ấu trùng/kg thịt. Sau khi có kết quả xét nghiệm, viện đã kết hợp với Trung tâm Y học dự phòng quân đội phía Nam (Bộ Quốc phòng) và các đơn vị y tế địa phương tiến hành điều tra xét nghiệm máu, chẩn đoán huyết thanh bệnh ấu trùng sán dây lợn tại các xã nói trên. Kết quả, 108/904 mẫu máu nhiễm ấu trùng sán dây lợn, chiếm tỷ lệ 11,95 %. Trong đó, xã Phú Nghĩa chiếm 9,19% (26/283), xã Đắk Ơ 14,9% (48/322), xã Bù Gia Mập 11,37% (34/299). Khảo sát một vòng quanh huyện Bù Gia Mập cho thấy, hiện trên địa bàn huyện, nguồn thực phẩm sử dụng chính trong các lễ cưới hỏi, ma chay chủ yếu là thịt heo, trâu, bò. Chính khâu chế biến thức ăn ngay tại nhà cũng như nguồn gốc vật nuôi tại địa phương tiềm ẩn nguy cơ nhiễm ấu trùng bệnh. 

Trung tâm Y tế huyện Bù Gia Mập đã phản hồi danh sách những trường hợp dương tính với sán dây lợn về các trạm y tế xã để tuyên truyền, tư vấn những trường hợp này nên về Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới khám, xét nghiệm và điều trị. Theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước Quách Ái Đức, nước ta đã phát hiện ít nhất 55 tỉnh, thành có các bệnh sán dây lợn, nhưng tỷ lệ mẫu máu nhiễm ấu trùng sán dây lợn ở Bình Phước cao so với tỷ lệ chung trên toàn quốc (2% - 6%). Nguyên nhân có thể do Bình Phước là vùng người dân có tập quán chăn nuôi heo thả rông để lấy thịt ăn. 

Hiện Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã có công văn chỉ đạo đến trung tâm y tế các huyện, thị xã tăng cường các biện pháp phòng chống giun sán như: giám sát các hộ chăn nuôi, đặc biệt các hộ nuôi heo thả rông để phát hiện và xử lý; tuyên truyền đến người dân về việc chăn nuôi gia súc, gia cầm đúng cách; tư vấn thực hiện vệ sinh môi trường, đảm bảo ăn chín, uống sôi, không sử dụng thịt heo, thịt bò sống hoặc tái; sử dụng thực phẩm hoặc rau phải rửa bằng nguồn nước sạch để đảm bảo vệ sinh; rửa tay trước khi chế biến các món ăn để đảm bảo không nhiễm ấu trùng sán. 

Tin cùng chuyên mục