Mỏi mòn đợi chờ được nhận tiền của mình
Do việc làm ăn, hợp tác không suôn sẻ, ngày 5-5-2006, Công ty Sài Gòn 5 khởi kiện Công ty TNHH Thương mại Gia Phú (sau đây gọi tắt là Công ty Gia Phú) về việc “tranh chấp hợp đồng hợp tác xây dựng và khai thác” đối với công trình khách sạn Tân Đào Viên, địa chỉ tại số 268 Trần Hưng Đạo, phường 11, quận 5, TPHCM.
Năm 2010, Tòa án nhân dân TPHCM đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, chấp nhận yêu cầu của Công ty Sài Gòn 5, buộc Công ty Gia Phú hoàn trả cho Công ty Sài Gòn 5 số tiền hơn 5,2 tỷ đồng. Trong đó, vốn gốc Công ty Sài Gòn 5 ứng cho Công ty Gia Phú là hơn 2,1 tỷ đồng và lãi phát sinh tạm tính đến ngày 27-10-2010 là hơn 3,1 tỷ đồng. Ngày 28-3-2011, Chi cục Thi hành án dân sự quận 5 (Chi cục THADS quận 5) đã có Quyết định số 519/QĐ-THA về việc thi hành án theo đơn yêu cầu. Quyết định nêu rõ: buộc Công ty Gia Phú hoàn trả cho Công ty Sài Gòn 5 số tiền đúng theo bản án phúc thẩm đã tuyên (hơn 5,2 tỷ đồng).
Ngày 10-5-2016, Chi cục THADS quận 5 tổ chức bán đấu giá thành công một tài sản của Công ty Gia Phú. Bên mua đã thanh toán toàn bộ số tiền bán đấu giá vào tài khoản của Chi cục THADS quận 5. Tài sản thi hành án đã được bàn giao theo Biên bản giao, nhận tài sản thi hành án ngày 12-7-2016 của Chi cục THADS quận 5. Sự việc tưởng như đã xong, nhưng thực tế lại không như vậy!
Đại diện lãnh đạo Công ty Sài Gòn 5 cho biết: “Công ty Sài Gòn 5 là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa. Hiện nay, tỷ lệ vốn nhà nước tại công ty là 99,78%. Từ năm 2016 đến nay, chúng tôi đã gửi cả chục văn bản đến Chi cục THADS quận 5, Vụ Kiểm sát THADS (thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao), Tổng cục THADS, Cục THADS TPHCM để đề nghị giải ngân tiền thi hành án từ kết quả bán đấu giá tài sản thi hành án. Các cơ quan chức năng đã có phiếu chuyển cho Chi cục THADS quận 5 để giải quyết.
Vào tháng 7-2022 và tháng 1-2023, Công ty Sài Gòn 5 đã được tạm ứng một phần số tiền được thi hành án là 3,5 tỷ đồng. Tính từ khi có Quyết định thi hành án, vụ việc kéo dài 12 năm, với số tiền (kể cả lãi tính đến ngày 31-1-2023) là hơn 14,5 tỷ đồng. Việc thi hành án chậm trễ đối với một bản án đã có hiệu lực pháp luật không chỉ làm ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp mà còn có nguy cơ thiệt hại vốn nhà nước, và là một trong những nguyên nhân khiến đời sống thu nhập của người lao động trong công ty đang sút giảm, phải nghỉ việc”.
Không được giải quyết tùy tiện
Theo một lãnh đạo Chi cục THADS quận 5, việc thi hành án đối với Công ty Gia Phú đang gặp một số trở ngại vì liên quan đến việc trả nợ cho một số doanh nghiệp khác. Cụ thể, Công ty Gia Phú đang nợ Ngân hàng V.H. (viết tắt) trong một vụ án khác.
Dù tài sản liên quan đến các vụ án đã được kê biên, bán đấu giá thành công, tiền bán đấu giá tài sản đã được chuyển vào tài khoản của Chi cục THADS quận 5, nhưng do chưa xác định được số tiền lãi Công ty Gia Phú còn phải trả cho Ngân hàng V.H. là bao nhiêu nên Chi cục THADS quận 5 chưa thể tính toán số tiền còn lại đảm bảo cho việc thi hành bản án giữa Công ty Gia Phú với Công ty Sài Gòn 5. Và do vậy, Chi cục THADS quận 5 chưa thể tiếp tục trích từ tiền bán đấu giá tài sản của Công ty Gia Phú để trả cho Công ty Sài Gòn 5 như bản án phúc thẩm do Tòa án nhân dân TPHCM đã tuyên.
Nhận xét về việc này, luật sư Nghiêm Xuân Lý (Đoàn Luật sư TPHCM) nêu ý kiến: “Chi cục THADS quận 5 không thể tùy tiện giải quyết như vậy. Quyết định của phiên tòa phúc thẩm là văn bản có hiệu lực pháp luật cao nhất và cần thực hiện ngay, không được thay thế bằng văn bản khác. Hơn nữa, Chi cục THADS quận 5 cũng đã có Quyết định số 519/QĐ-THA thi hành án theo đơn yêu cầu. Quyết định nêu rõ: buộc Công ty Gia Phú phải hoàn trả cho Công ty Sài Gòn 5 số tiền đúng như theo bản án đã tuyên là hơn 5,2 tỷ đồng. Việc nào ra việc đó, không thể vì Công ty Gia Phú thiếu nợ nhiều doanh nghiệp khác thì gộp lại rồi chia ra như vậy được!”.
Theo Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 (quy định trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền), trường hợp bên có nghĩa vụ trả tiền nhưng lại chậm trả tiền thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả - tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên, nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong trường hợp này, việc chậm thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật không chỉ ảnh hưởng rất lớn đến bên được thi hành án (Công ty Sài Gòn 5, một doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm tỷ lệ 99,78%) mà còn làm “mẻ” số tiền đã thu được để thi hành án, gây bất lợi cho bên phải thi hành án (Công ty Gia Phú) và các bên liên quan!