Chiều nay, 11-5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ cho ý kiến về những vấn đề trọng tâm, cốt lõi của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Dự thảo mới nhất vừa được trình UBTVQH gồm 16 chương, 247 điều, trong đó tăng 3 mục (mục 1 chương VII; mục 1, 2 chương XVI), bổ sung mới 24 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến nhân dân.
Chính phủ cho biết, trong số hơn 12 triệu lượt góp ý, cơ chế và chính sách tài chính đất đai, giá đất là một trong những nội dung được nhân dân quan tâm nhiều nhất với 1.035.394 lượt ý kiến góp ý.
Thực tiễn cho thấy việc triển khai Luật Đất đai năm 2013 tuy đã đạt được một số kết quả nhưng khi áp dụng các chính sách tài chính, giá đất của Nghị quyết số 19/NQ-TW vào thực tiễn đã phát sinh một số vấn đề bất cập... Để khắc phục hạn chế phát sinh trong thực tiễn, Nghị quyết số 18/NQ-TW đã đặt ra quan điểm rất rõ ràng là chính sách đất đai phải đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hình thành một kim chỉ nam cho việc sửa đổi, hoàn thiện các chính sách và pháp luật về đất đai, nhất là việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.
Một trong những giải pháp cơ bản để hoàn thiện cơ chế và chính sách tài chính đất đai là bỏ khung giá đất và áp dụng cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Theo đó, giá đất được xác định dựa vào mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, thông tin đầu vào theo các phương pháp định giá đất, quy định của pháp luật và các yếu tố ảnh hưởng khác. Bản dự thảo lần này cũng đã quy định về các thông tin đầu vào được sử dụng để xác định giá đất theo các phương pháp định giá.
Liên quan tới các quy định bồi thường, hỗ trợ tái định cư, dự thảo luật đã quy định theo hướng đa dạng các hình thức bồi thường.
Tuy nhiên, qua thẩm tra, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu bảo đảm việc bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi phải có giá trị tương đương với đất thu hồi để bảo đảm quyền lợi của người có đất thu hồi. Trong xác định mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất thu hồi cần tính toán để điều tiết, phân phối phần địa tô chênh lệch do thay đổi quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện các dự án tạo ra cho người có đất thu hồi, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người bị thu hồi đất và lợi ích của nhà đầu tư.
Trước đó, trong các lần thảo luận tại nghị trường, việc điều tiết, phân phối chênh lệch địa tô được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị nghiên cứu quy định rõ trong dự thảo luật về quyền của người bị thu hồi đất tại các dự án phải được tham gia ngay từ đầu trong quá trình xây dựng phương án bồi thường, tái định cư.
Đồng thời, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải được xây dựng một cách thỏa đáng, được sự đồng thuận của người dân và được thực hiện công khai, đúng quy định của pháp luật trước khi có quyết định thu hồi đất. Nếu phương án không được đại đa số cư dân khu vực thu hồi đồng ý cao thì phải giải trình, thay đổi phương án.