Hôm nay, xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng

Hôm nay 15-12, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - VietinBank, chi nhánh TPHCM) chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng của 15 tổ chức, ngân hàng, cá nhân.

(SGGP).- Hôm nay 15-12, Tòa Phúc thẩm TAND tối cao tại TPHCM tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - VietinBank, chi nhánh TPHCM) chiếm đoạt 3.900 tỷ đồng của 15 tổ chức, ngân hàng, cá nhân.

Theo bản án sơ thẩm, từ đầu năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như (lúc đó là cán bộ tín dụng VietinBank, chi nhánh TPHCM) đã vay hơn 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản tại TPHCM, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt, Quảng Nam, An Giang. Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ và phải trả lãi suất cao, Huyền Như mất khả năng thanh toán. Để có tiền trả nợ, do nắm được nghiệp vụ ngân hàng và là Quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, có thẩm quyền phê duyệt lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản từ ngân hàng đi các đơn vị, doanh nghiệp theo quyết định của chủ tài khoản với mức 50 tỷ đồng/lệnh nên từ tháng 3-2010 đến tháng 9-2011, Huyền Như đã giả danh VietinBank chi nhánh Nhà Bè và VietinBank chi nhánh TPHCM để huy động tiền.

Nhằm thực hiện được mục đích của mình, Huyền Như thuê làm giả 8 con dấu đứng tên VietinBank chi nhánh Nhà Bè và 7 doanh nghiệp khác. Sau đó, Huyền Như làm giả tài liệu (hợp đồng ủy thác đầu tư vốn, hồ sơ mở tài khoản, lệnh chi, lệnh chuyển tiền, hợp đồng tiền gửi) của 2 ngân hàng VietinBank và nhiều đơn vị, cá nhân khác để chuyển tiền của nhiều ngân hàng, đơn vị, cá nhân vào tài khoản Công ty cổ phần Đầu tư Hoàng Khải do Như thành lập hoặc chuyển cho những tổ chức, cá nhân mà Như cần trả nợ.

Bằng thủ đoạn này, Như đã chiếm đoạt hơn 3.900 tỷ đồng của Công ty TNHH đầu tư Phúc Vinh, Công ty cổ phần đầu tư Thịnh Phát, Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Hưng Yên, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại An Lộc, Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông, Công ty cổ phần Bảo hiểm Toàn cầu, Công ty cổ phần Vận tải dầu khí Thái Bình Dương, Công ty TNHH Zen Plaza, Công ty cổ phần Chứng khoán Saigonbank - Berjaya, Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) chi nhánh TPHCM, ông Phạm Anh Huấn, bà Giã Thị Mai Hiên, bà Lê Thị Kim Tuyến.

Tại phiên xử sơ thẩm vào tháng 1-2014, TAND TPHCM tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như mức án tù chung thân về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. 22 bị cáo đồng phạm khác trong vụ án bị tuyên từ 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 20 năm tù giam.

Sau phiên xử sơ thẩm, bị cáo Huyền Như kháng cáo về phần dân sự, xin lại một trong những căn nhà đang bị kê biên và đề nghị cấp phúc thẩm trả lại villa H2 thuộc dự án Nam Hai Resort (tại Hội An, Quảng Nam) có diện tích gần 3.000m², trị giá 43 tỷ đồng cho mẹ bị cáo. 19 bị cáo khác kháng cáo đề nghị xem xét lại tội danh, hình phạt và trách nhiệm dân sự trong vụ án. 40 nguyên đơn dân sự, người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng có đơn kháng cáo. Bên cạnh đó, Viện KSND TPHCM có quyết định kháng nghị, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng tăng hình phạt đối với Võ Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và Đào Thị Tuyết Dung (Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân) về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cho vay nặng lãi”.

Về trách nhiệm dân sự, không đồng ý với việc tòa án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo Huyền Như và đồng phạm bồi thường số tiền chiếm đoạt, ACB kháng cáo toàn bộ bản án, yêu cầu VietinBank phải có trách nhiệm bồi thường 718 tỷ đồng bị chiếm đoạt. Một số đơn vị bị hại khác cũng gửi đơn kháng cáo.

Dự kiến phiên tòa kéo dài đến hết ngày 31-12.

ÁI CHÂN

- Huyền Như xin xử án nhẹ cho đồng phạm

Tin cùng chuyên mục