Lễ viếng PGS Văn Như Cương được cử hành từ 10 giờ 30 đến 12 giờ 30 ngày hôm nay, 12-10 tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu vào 12 giờ 30 cùng ngày.
Theo thông tin từ trường Dân lập Lương Thế Vinh, ngôi trường do thầy Văn Như Cương sáng lập, cùng giờ truy điệu tại nhà tang lễ, học sinh của trường cũng sẽ dự lễ truy điệu thầy tại trường.
Dòng người lặng lẽ viếng Thầy. Ảnh: LÃ ANH
Theo gia đình thầy Văn Như Cương, lúc còn sống, PGS Văn Như Cương nói với vợ là Đào Kim Oanh rằng, tâm nguyện lớn nhất sau khi mất là dùng số tiền phúng viếng để xây trường cho trẻ vùng cao. Ngôi trường mang tên Mầm non Na Ngao tại xã Đồng Tâm (Bắc Quang, Hà Giang).
Thể theo tâm nguyện của thầy, gia đình thầy Văn Như Cương cho biết sẽ dùng số tiền phúng viếng PGS Văn Như Cương để xây trường cho trẻ vùng cao. Số tiền còn lại sau khi xây trường vùng cao sẽ được đưa vào Quỹ tình thương của trường để tiếp tục hỗ trợ những học sinh kém may mắn.
Từ sáng sớm rất đông học sinh có mặt để tiễn Thầy. Ảnh: LÃ ANH
Theo bà Văn Thùy Dương, con gái PGS Văn Như Cương, di nguyện của thầy là được đưa thi hài về thăm trường lần cuối để tạm biệt học trò. Do đó, từ 13 giờ 30 đến 14 giờ 30 chiều nay, ngày 12-10, gia đình sẽ đưa thi hài của PGS Văn Như Cương qua cơ sở A (Nam Trung Yên) và cơ sở 1 (Tân Triều) của trường Lương Thế Vinh.
Tại đây, giáo viên, học sinh cũng như các bậc phụ huynh sẽ tiễn thầy lần cuối. Đây sẽ là cuộc tiễn đưa xúc động, đúng với tâm nguyện của người thầy giáo già đáng kính, bởi đương thời, PGS Văn Như Cương từng tâm sự: “Bố thầy nói rằng con sẽ khóc khi bước lên bục giảng đầu tiên và con sẽ hạnh phúc hơn nếu được sống những giờ phút cuối cùng bên học sinh thân yêu của mình".
Để tiễn đưa thầy, mỗi lớp học của trường Lương Thế Vinh đã cử đại diện giáo viên và 5 em học sinh đến viếng thấy ở nhà tang lễ. Nhiều phụ huynh cũng đã xin phép được đến viếng thầy cùng với đại diện của lớp. Còn lại, các thầy cô giáo, các em học sinh, phụ huynh sẽ tiễn đưa thầy khi thầy về thăm trường, thăm các em học sinh lần cuối.
Di nguyện của Thầy là được đưa thi hài về thăm trường lần cuối để tạm biệt học trò
PGS Văn Như Cương sinh năm 1937. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống dạy chữ Hán tại làng Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Tốt nghiệp khoa Toán, ĐH Sư phạm Hà Nội, ông trở thành cán bộ giảng dạy tại trường. Ông học chương trình nghiên cứu sinh ngành Toán học tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô cũ và bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ vào năm 1971.
Sau khi về nước ông làm giảng viên, công tác tại bộ môn Hình học Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Vinh. Ông là chủ biên và trực tiếp biên soạn hơn 60 đầu sách sách giáo khoa, sách tham khảo phổ thông và giáo trình đại học về chuyên ngành hình học…
Ông là tác giả bộ sách giáo khoa hình học phổ thông (chương trình nâng cao) của Việt Nam.
Thầy Văn Như Cương
PGS Văn Như Cương còn được biết đến là người thành lập, hiệu trưởng (từ năm 1989 đến 2014) của Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, trường dân lập đầu tiên tại Việt Nam. Trải qua hơn 1/4 thế kỷ, Trường dân lập Lương Thế Vinh đã gầy dựng được thương hiệu lớn của mình, trở thành một trong những ngôi trường được người học xếp hàng “chạy đua”.
Là một nhà giáo tài năng, cương trực và trách nhiệm, PGS Văn Như Cương luôn có những ý kiến phản biện sâu sắc với tinh thần xây dựng để mong nền giáo dục nước nhà ngày càng tốt lên. Nhiều câu nói của ông truyền cảm hứng cho các thế hệ như: "Biển học mênh mông, sách vở chỉ là vùng biển gần bờ"; "Trước hết phải là người tử tế"...
Thầy Văn Như Cương cũng được nhớ nhiều với những bức thư, bài diễn văn lay động tâm can dành cho học trò của ông.
Mới đây nhất, tại lễ khai giảng năm học 2017-2018, ông đã có bài nói chuyện với học sinh về “căn bệnh lười” rất nguy hiểm: lười học, lười lao động, lười suy nghĩ...
Trước đó, năm 2014, ông đã tạo nên một lễ khai giảng độc đáo ở trường mình với màu cờ đỏ và bài diễn văn gây xúc động triệu trái tim.
Tại lễ khai giảng thấm đẫm tình yêu đất nước đó, tất cả giáo viên, học sinh được mặc bộ đồng phục với lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.
“Một nắm đất ở vùng biên giới, một vốc cát ở Trường Sa, hay Hoàng Sa đều do ông cha ta để lại, đều không thể mất… Chúng ta hãy yêu mến nhân dân mình, gần gũi nhất là yêu gia đình mình, yêu bạn bè, yêu thầy cô”...
Theo yêu cầu của thầy, học sinh trường Lương Thế Vinh mặc áo đỏ sao vàng vào ngày thứ 2 hàng tuần.
Những bài diễn văn, phát biểu của người thầy luôn làm lay động cả triệu con tim. Không chỉ học trò trường Lương Thế Vinh mà cả hàng ngàn học trò cũ, các bậc phụ huynh và nhiều người trong mọi miền đất nước luôn thể hiện lòng kính trọng, sự biết ơn của mình đối với thầy Văn Như Cương.
Hình ảnh người thầy giáo già như một tiên ông với bộ râu dài bạc trắng, truyền dạy kiến thức và vun vén lối ứng xử hay cho học trò… đã in đậm trong tâm trí nhiều người.
Tài năng, nhân cách, tấm lòng đôn hậu của thầy, và cả tính cách có phần lãng tử, nghệ sĩ tài hoa của PGS Văn Như Cương đã làm nên một Văn Như Cương được công chúng mến mộ.
Sẽ không có nhiều nhà giáo ra đi để lại “khoảng trống” lớn như thầy Văn Như Cương. Không có nhiều thầy giáo truyền được cảm hứng lớn lao cho toàn xã hội như thầy Văn Như Cương. Nhưng giai thoại về thầy sẽ còn bất tận!
Vĩnh biệt “tiên ông” Văn Như Cương!