Theo cập nhật từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, đến 20 giờ ngày 13-10, tâm bão số 8 cách bờ biển Thanh Hóa khoảng 415km, cách bờ biển Nghệ An khoảng 420km, cách bờ biển Hà Tĩnh khoảng 400km. Bão mạnh cấp 10, giật cấp 12. Do di chuyển rất nhanh nên từ trưa đến chiều 14-10, tâm bão sẽ đi vào khu vực Bắc Trung bộ.
Trong ngày 13-10, các tỉnh Bắc Trung bộ hối hả triển khai các biện pháp ứng phó bão.
Tại Thanh Hóa, các huyện ven biển như Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương… có mưa kèm theo gió mạnh. Tại âu thuyền Lạch Trường (xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc), chính quyền địa phương, bộ đội biên phòng phối hợp cùng ngư dân khẩn trương chằng néo tàu thuyền, riêng bè mảng nhỏ được kéo theo các luồng lạch vào sâu trong đất liền.
Đại diện Ban quản lý cảng cá Hòa Lộc cho biết, sức chứa của âu Lạch Trường chỉ được khoảng 200 tàu, trong khi tàu vào nhiều, luồng lạch lại bị bồi lắng nên việc sắp xếp cho tàu vào neo đậu trú tránh bão hết sức khó khăn. Ông Nguyễn Văn Huân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lộc, cho biết, 143 tàu của xã đã vào nơi trú tránh an toàn. Xã cũng đã lên phương án cụ thể để di dời các hộ dân ven đê, có nguy cơ ngập lụt đến nơi an toàn.
Tại Nghệ An, tỉnh đã xây dựng 5 kịch bản, sẵn sàng di dời, sơ tán khoảng 16.200 người khỏi các vùng ven biển, nguy cơ ngập úng, sạt lở… Hiện có 6.500 người dân về từ các tỉnh thành phía Nam đang ở trong các khu cách ly tập trung, trong khi các địa điểm này trong kịch bản là để di dân đến trú khi có bão. Vì vậy, tỉnh đã phải trưng dụng, thiết lập các địa điểm mới. Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 11.000ha lúa chưa thu hoạch và các địa phương đã cử lực lượng xuống hỗ trợ người dân gặt chạy bão.
Tại Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã xả tràn 5 hồ chứa nước lớn trên địa bàn, gồm: Bộc Nguyên, Kim Sơn, Sông Rác, Thượng Sông Trí, Tàu Voi. Tỉnh cũng đã lên phương án sơ tán những hộ dân nằm trong vùng nguy cơ ảnh hưởng về sạt lở đất, sạt lở ven sông, lũ quét, ngập lụt đến nơi đảm bảo an toàn khi có bão lũ. Trong đó có khoảng 1.332 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ ảnh hưởng về sạt lở đất, sạt lở ven sông; 888 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ ảnh hưởng về lũ quét, 14.889 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ ảnh hưởng về ngập lụt và 3.407 hộ dân nằm trong vùng nguy cơ ảnh hưởng ngập lụt hạ du hồ chứa công trình trọng điểm…
Tại Quảng Bình, Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4, cùng đoàn công tác đã có mặt tại Quảng Bình thị sát tình hình phòng chống bão số 8. Đoàn công tác đã đến thị sát âu thuyền sông Gianh tại xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch; cắt cử bộ đội giúp dân sơ tán. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã yêu cầu các địa phương không để ngư dân ở lại trên tàu khi bão đổ bộ; đảm bảo phòng dịch khi ngư dân vào tránh trú bão.
Ngày 13-10, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị thủy điện, chủ hồ chứa vận hành xả lũ theo quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa. Để ứng phó bão số 8, Bộ Công thương yêu cầu các chủ đập thủy điện tuân thủ nghiêm quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa khi xuất hiện các tình huống bất thường, vận hành đảm bảo an toàn công trình; phải cảnh báo kịp thời đến chính quyền, người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.
Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) cho biết, đến 18 giờ ngày 13-10, từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng có 38.992 tàu với 139.034 lao động neo đậu tại bến; không có tàu nào còn hoạt động tại khu vực biển từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng. Từ Quảng Ninh đến Quảng Nam đã có lệnh cấm ra biển để tránh bão. Từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên chỉ cho phép tàu thuyền hoạt động ven bờ và các khu vực ngoài vùng ảnh hưởng của bão số 8.
Chiều tối 13-10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã dẫn đầu đoàn công tác trung ương vào Nghệ An kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó bão số 8. Đoàn đã đến kiểm tra công trình hồ chứa Vực Mấu (thị xã Hoàng Mai). Do lượng nước đổ về hồ lớn nên trong những ngày qua, UBND tỉnh Nghệ An đã cho mở cửa tràn để điều tiết, đưa mực nước hồ xuống cao trình +19,8m để chủ động đón lũ, phòng lũ.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan kiểm tra hồ Vực Mấu (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An). Ảnh: DUY CƯỜNG
Tiếp đó, đoàn đến kiểm tra khu neo đậu tàu thuyền Lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu) và công tác sơ tán dân; trong kịch bản sẽ di dời tại chỗ gần 1.000 dân. Đồng thời đến kiểm tra công trình kè Yên Xuân thuộc hệ thống đê Tả Lam tại xã Xuân Lam (huyện Hưng Nguyên). Hiện bờ sông và chân kè bị xói lở sâu, có 80m tuyến kè bị sạt lở, cuốn trôi từ trận lũ tháng 10-2020.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện, nhanh các giải pháp phòng chống bão; tăng cường công tác truyền thông để người dân từ miền núi, trung du cho tới miền biển nắm bắt được thông tin nhanh về xả lũ, lượng mưa… để kịp thời ứng phó; quản lý chặt chẽ tàu thuyền tại các khu neo đậu, không được để người dân ở trên tàu, lồng bè nuôi cá...