1. Quệt mồ hôi trên trán, chị Vương Hải Yến (ngụ quận 2, TPHCM) thở dài thườn thượt không biết mua gì, nhìn xuống chiếc giỏ, chỉ có vài lạng thịt bò và ít hành ngò - thành quả sau một vòng lội bộ khắp chợ của chị.
Chị Yến làm quản lý ở một công ty xuất nhập khẩu tương đối bề thế nên khá bận rộn. Lâu nay, bữa tối của gia đình chủ yếu được chị đặt đồ ăn sẵn. Kể từ đầu mùa dịch tới nay, công ty ít việc, chị chủ động xin nghỉ không lương một thời gian để sắp xếp lại cuộc sống. Trong kế hoạch sắp xếp ấy, căn bếp là nơi đầu tiên chị nghĩ tới.
Mường tượng bữa cơm chiều nóng hổi được chị chuẩn bị tươm tất, hình ảnh chồng, con được ăn ngon miệng thay vì thức ăn nhanh như mọi khi… khiến chị hăm hở hơn. Thế nhưng sự hăm hở ấy kéo dài không được bao lâu, chị bắt đầu thấy mệt với những bữa ăn hàng ngày. Sáng nào chị Yến cũng bắt đầu ngày mới với câu hỏi: “Hôm nay ăn gì?”. Rồi đến khuya, chị cũng trằn trọc nghĩ xem sáng mai đi chợ mua gì, trước khi chìm vào giấc ngủ.
2. Chuyên nội trợ như chị Nguyễn Lan Khanh (ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM) cũng không tránh khỏi những tủi thân, bế tắc phía sau cánh cửa bếp. Gia đình chị mỗi người thích ăn một kiểu. Anh Hà (chồng chị) thích ăn đồ kho, cậu con trai thích đồ có nhiều sốt, cô con gái lại thích đồ chiên. Hơn một năm nay, ông bà nội tụi nhỏ về sống chung thì lại thích đồ hầm. Đã vậy, mỗi người thích một loại thực phẩm, mà còn đòi hỏi phải đổi món liên tục. Đến chén nước chấm cũng phải vài ba loại.
Bản thân chị Khanh vốn trước nay vẫn ở nhà nội trợ nhưng quả thực niềm vui bếp núc đối với chị đã không còn, có chăng chỉ là trách nhiệm. Cũng vì vậy mà món ăn thiếu mất cái hồn, cái tình của người nấu. Chị ước mọi người thử nấu ăn, thử đặt mình vào vị trí người đứng bếp để cảm nhận, biết đâu cứu vãn được tinh thần đang đi xuống của chị.
Trong điện thoại, chị Khanh lưu toàn clip, hình ảnh món ăn và cách chế biến. Thời gian rảnh rỗi, chị Khanh học cách làm món này, món kia, rồi lại lật đật chợ búa mua nguyên liệu về thử. Cũng muốn làm mới mâm cơm của mình nhưng hôm nào chị bày món mới, y như rằng sẽ có tiếng thở dài, lắc đầu nguầy nguậy, không dám thử vì “món gì mà nhìn lạ hoắc”.
3. Sống trong căn nhà của mình, làm chủ căn bếp của gia đình nhưng mỗi khi chuẩn bị vào bàn ăn, không ít phụ nữ rơi vào trạng thái hồi hộp, lo âu. “Hôm nào mọi người không có ý kiến gì thì tôi còn nuốt miếng cơm ngon, bữa nào bị phàn nàn thì tủi thân vô cùng, còn tâm trí đâu mà ăn uống”, chị Khanh chia sẻ.
Trên mạng xã hội có không ít diễn đàn của chị em phụ nữ bày nhau cách nấu nướng, thậm chí có cả những clip hướng dẫn chi tiết, từ khâu chọn nguyên liệu, sơ chế và chế biến. Rồi có cả dịch vụ đi chợ giùm với thực đơn đảm bảo 2 tuần không trùng món. Song, không phải ai cũng sẵn sàng thử món mới, như gia đình chị Lan Khanh hay chị Hải Yến chẳng hạn. Và một khi sự đổi mới của mình không được đón nhận nhiệt tình thì đam mê, nhiệt huyết nấu nướng cũng khó thăng hoa. Như điều chị Khanh mong muốn, cốt lõi của việc tạo niềm vui trong bếp núc vẫn là sự ghi nhận và chia sẻ của những người thân, nhưng chị đã không dũng cảm để đòi hỏi điều đó.
Tôi có người bạn đúng kiểu “phụ nữ hiện đại không ngại nấu ăn”. Cô ấy không bận rộn đến mức phải đặt đồ ăn sơ chế sẵn hay nhờ dịch vụ đi chợ giùm, nhưng cô ấy lại kéo được cả gia đình cùng vào bếp. “Bất kể việc gì cũng vậy, chỉ khi có công sức của mình thì mọi người mới trân trọng”, cô ấy quả quyết và bằng cách này hay cách khác, mỗi thành viên trong gia đình đều được giao việc.
Có khi cô ấy lấy cớ bận chút việc đột xuất, nhờ chồng ghé chợ mua ít đồ ăn. Về nhà, đứa nhỏ phụ mẹ lặt rau, đứa lớn xắt trái cà, bắc nồi cơm, vợ chồng chị người nấu, người dọn dẹp, vừa tạo được không khí và vừa để mỗi người thể hiện trách nhiệm của bản thân. Mâm cơm dọn lên, ai cũng hào hứng với những món ăn có sự góp sức của mình. Khi đó, dù canh có hơi mặn, cá có hơi nhạt hay món hôm nay trùng với món hôm qua thì cũng chẳng phải là chuyện gì ghê gớm, cái chính là những món ăn ấy đều chứa đựng tình yêu của mỗi thành viên trong gia đình - thứ gia vị ngọt ngào nhất của cuộc sống.