Tại kỳ họp này, Quốc hội chất vấn tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc các lĩnh vực: TN-MT, công thương, kiểm toán, VH-TT-DL. Các phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.
Sáng 4-6, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực TN-MT. Chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương. Ngày 5-6, Quốc hội chất vấn lĩnh vực kiểm toán, VH-TT-DL. Từ 9 giờ 50 đến 11 giờ 20 ngày 6-6, Thủ tướng Chính phủ (hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ được ủy quyền) sẽ làm rõ các vấn đề liên quan, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và kết thúc phiên chất vấn.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh
Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sáng nay, 4-6 Quốc hội đã bắt đầu hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phân công Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đại diện lãnh đạo Chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào cuối phiên.
Bộ trưởng TN-MT Đặng Quốc Khánh là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn. Ông sẽ làm rõ việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các bộ: KH-ĐT, Tài chính, NN-PTNT, Xây dựng, GTVT cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đã có 103 đại biểu đăng ký chất vấn.
Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) bày tỏ băn khoăn về việc tình trạng thiếu cát xây dựng làm vật liệu san lấp cho các công trình hạ tầng, trong khi quy trình cấp phép khai thác khá phức tạp. Tới đây sẽ luật hóa các quy định liên quan như thế nào để góp phần đẩy nhanh tiến độ công trình.
Cùng mối quan tâm đến các công trình hạ tầng có sử dụng vật liệu san lấp, ĐB Trần Kim Yến (TPHCM) nhận định, hiện nay nhiều công trình đưa ra phương án dùng cát biển để thay thế cát sông.
“Tuy nhiên, khi chưa đánh giá kỹ thì triển khai đại trà là sự đánh cược liều lĩnh với môi trường. Làm thế nào đảm bảo an ninh nguồn nước, không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường?”, ĐB Kim Yến hỏi.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, Bộ TN-MT đã ban hành hướng dẫn về vấn đề khai thác cát xây dựng, giúp đẩy nhanh tiến độ các công trình, thể hiện tính hiệu quả cao.
“Theo Luật Khoáng sản 2010, quy trình cấp giấy phép khai thác mỏ vật liệu xây dựng cũng giống như đối với kim loại quý, chưa có sự phân loại. Tới đây, dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản sẽ có sự phân loại cụ thể, theo dự thảo thì chỉ cần đăng ký và nộp nghĩa vụ thuế, không phải xin cấp phép”, ông Đặng Quốc Khánh trả lời ĐB Bích Ngọc. Về sử dụng cát biển, Bộ TN-MT được giao đánh giá trữ lượng và đã xác định mỏ cát ở Sóc Trăng, cách bờ 20km. Chia sẻ nỗi lo lắng chính đáng của ĐB, Bộ trưởng cho biết sẽ yêu cầu đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng đối với từng dự án trước khi triển khai, tránh gây nhiễm mặn, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
“Tình trạng sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông đang bủa vây vùng ĐBSCL với mức độ phức tạp, giải pháp của Bộ trưởng như thế nào?”. Phản ánh khó khăn của người dân miền núi, vùng sâu vùng xa do thiếu nước, ĐB Quàng Thị Nguyệt (Điện Biên) nêu rõ, đầu tư công trình tích trữ nước là một trong những giải pháp ưu tiên trong Luật Tài nguyên nước năm 2023.
“Để đảm bảo chủ động tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội, đề nghị Bộ trưởng cho biết việc thực hiện các chính sách nhằm thu hút đầu tư xây dựng các công trình tích trữ nước trong thời gian tới như thế nào?”, ĐB chất vấn.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, ĐB Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) nói, với việc gia tăng tình trạng hạn hán, suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn ở Việt Nam, vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước cho sinh hoạt, đặc biệt là vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo là thách thức lớn. “Đâu là giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước cho sinh hoạt ở những khu vực này trong thời gian tới?”.
Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh, đây quả thực là thách thức, vì nguồn nước nội sinh của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 40%, 60% phụ thuộc nước ngoài. Vì vậy, trước hết cần bảo vệ được nguồn nước nội sinh thông qua bảo vệ rừng, trồng thêm cây xanh... Cùng với đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế. Đề cập đến giải pháp công trình, Bộ trưởng cho biết đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT tìm kiếm địa điểm phù hợp để xây dựng hồ đập thủy lợi, thủy điện, hệ thống kênh mương dẫn nước và vận hành hợp lý nhất hệ thống công trình này, đáp ứng đa mục tiêu, tối đa hóa hiệu quả sử dụng nước.
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) phản ánh thực trạng, thời gian qua, tình trạng sạt lở, sụt lún bờ biển, bờ sông đang bủa vây vùng ĐBSCL với mức độ phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất người dân trong vùng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá về công tác dự báo, dự phòng đối với vấn đề trên thời gian qua. Đồng thời cho biết giải pháp ổn định môi trường sống khu vực này trong thời gian tới như thế nào?
Nhấn mạnh đến tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, song Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói, các tác nhân khác như khai thác cát lậu, lấn chiếm bờ sông… làm trầm trọng hơn tình trạng này. Giải pháp tới đây là đánh giá trữ lượng, quy hoạch vùng được phép khai thác; đồng thời quy hoạch lại dân cư, những vùng có nguy cơ cao thì bố trí tái định cư, xử lý triệt để tình trạng lấn chiếm bờ sông và nâng cao khả năng cảnh báo, dự báo.
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé cho rằng, Bộ trưởng “nêu đúng nguyên nhân, nhưng chưa đủ”. Theo ĐB, cần chấn chỉnh việc khai thác nước ngầm và nâng cao khả năng cảnh báo, dự báo sớm hiện tượng thời tiết cực đoan.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đồng tình với ĐB, cho biết thêm, Bộ TN-MT đã tăng đầu tư nâng cấp trang thiết bị phục vụ dự báo, cảnh báo, tăng cường phối hợp quốc tế, đào tạo nhân lực. Vừa qua, chúng ta đã nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, chẳng hạn như đã dự báo sớm tình trạng hạn mặn ĐBSCL, nhờ đó, nhiều địa phương đã chủ động điều chỉnh thời vụ, hạn chế thiệt hại.