Hôm nay 26-4, đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo: Xung lực phát triển kinh tế vùng Nam Trung bộ

Hôm nay, tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78km, tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) chính thức đưa vào sử dụng. Như vậy, tuyến cao tốc TPHCM - TP Nha Trang đã được khép kín với tổng chiều dài 382km, gồm 5 đoạn tuyến, tổng vốn đầu tư hơn 61.600 tỷ đồng. Tuyến đường từ TPHCM đi ra các tỉnh miền Trung sẽ rút ngắn thời gian, việc vận chuyển hàng hóa cũng sẽ nhanh hơn rất nhiều.

Tr5-26-4-2024.jpg

Khép kín tuyến cao tốc TPHCM - Nha Trang

Dự án đường cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là 1 trong 3 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, được đầu tư theo hình thức PPP do liên doanh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty 194 làm nhà đầu tư. Dự án có tổng chiều dài 78,5km, tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận với quy mô 4 làn xe, vận tốc tối đa cho phép 90km/giờ. Cao tốc TPHCM - Nha Trang được thi công chia làm 5 đoạn như sau:

Đoạn cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55,7km, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng hơn 20.630 tỷ đồng, từ nguồn vốn đầu tư công, đưa vào khai thác từ tháng 2-2015. Đoạn cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99km, tổng vốn đầu tư 13.600 tỷ đồng, từ nguồn vốn đầu tư công, khánh thành ngày 30-4-2023. Đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 101km, tổng vốn đầu tư gần 10.853 tỷ đồng, từ nguồn vốn đầu tư công, khánh thành ngày 19-5-2023. Đoạn cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 78km, tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng, được đầu tư theo hình thức PPP. Đoạn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có tổng vốn đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng, theo hình thức PPP, đưa vào khai thác ngày 18-6-2023.

Ban điều hành đường cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo cho biết, đơn vị đã hoàn thành lắp đặt các biển báo cung cấp số điện thoại đường dây nóng dọc tuyến cao tốc. Trên tuyến có 36 điểm dừng, đỗ xe khẩn cấp. Khi lưu thông trên cao tốc gặp sự cố hoặc phát hiện các sự việc ảnh hưởng an toàn lưu thông, tài xế có thể gọi qua số điện thoại khẩn cấp 1900599855. Ngoài ra, tại mỗi chiều xe chạy, trung bình 4-5km có bố trí một vị trí điểm dừng xe khẩn cấp. Khi đưa vào vận hành, tuyến đường cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được Cục Đường bộ Việt Nam giao Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) quản lý vận hành, bảo trì, đảm bảo việc vận hành khai thác an toàn, thông suốt. Từ hôm nay, đơn vị sẽ phối hợp với cơ quan chức năng hỗ trợ dữ liệu xe vi phạm trên cao tốc qua hệ thống camera giám sát để phạt nguội.

Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), Bộ Công an vừa công bố đường dây nóng tiếp nhận thông tin về trật tự an toàn, tai nạn, ùn tắc giao thông trên tất cả các tuyến cao tốc, bắt đầu từ ngày 26-4, qua số điện thoại 19008099. Ngoài ra, lực lượng CSGT sẽ bố trí lực lượng trực 100% trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, tổ chức lực lượng tuần tra khép kín 24/24 giờ; sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đón, trả khách trên đường cao tốc.

Hoàn thành các trạm dừng nghỉ tạm

Ngày 25-4, Bộ GTVT cho biết, các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được thông xe và đưa vào khai thác đều bố trí xong các trạm dừng nghỉ, trạm nghỉ tạm thời để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5.

Theo đó, từ Hà Nội đến Vinh (Nghệ An) đã có 5 trạm dừng nghỉ. Cụ thể, đoạn cao tốc Pháp Vân - Cao Bồ có 2 trạm đang khai thác tại Km227+000 tỉnh Hà Nam và Xuân Khiêm (Km269 tỉnh Ninh Bình). Tiếp đó, có 3 cặp trạm dừng nghỉ tạm trên đoạn cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 (Km329+700), đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu tại cửa hầm Trường Vinh (Km386+360), đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt tại cửa hầm Thần Vũ (Km438).

Z1b.jpg
Trên tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo có 34 cầu, gồm 22 cầu trên đường cao tốc, 11 cầu vượt cao tốc và cầu trên đường kết nối cao tốc với quốc lộ 1A

Đối với đoạn từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến TPHCM đã bố trí 3 cặp trạm dừng nghỉ tạm trên các đoạn Nha Trang - Cam Lâm tại Km33, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo tại Km113, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại Km199 bên trái tuyến và một điểm chỉ dẫn ra, vào cao tốc tại nút giao ĐT765 để đi ra trạm dừng nghỉ Đại Phú. Theo hướng từ TPHCM - Nha Trang đã có bố trí 2 cặp trạm dừng nghỉ tạm trên các đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo tại Km113, đoạn Nha Trang - Cam Lâm tại Km33 và điểm chỉ dẫn ra, vào cao tốc tại nút giao ĐT765 ra trạm dừng nghỉ Đại Phú và điểm nút giao Ma Lâm Km208+700 ra trạm dừng nghỉ Hiền Hương. Đối với đoạn tuyến Cam Lộ - La Sơn nối Quảng Trị với Thừa Thiên Huế được bố trí trạm dừng nghỉ tạm tại Km64+200 trái tuyến và Km77+800 phải tuyến.

Bộ GTVT cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ triển khai xây dựng 8 trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Ông TRẦN HÒA NAM, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Sẽ thúc đẩy sự phát triển nhiều lĩnh vực

Trước đây, khi tuyến đường cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo chưa hoàn thiện, việc di chuyển từ TPHCM đến địa phương bị đứt quãng. Tuy nhiên, hiện giao thông đã liền mạch, tạo ra xung lực để các địa phương khu vực Nam Trung bộ phát triển. Trong đó, tỉnh Khánh Hòa sẽ có thuận lợi để thu hút, phát triển mạnh về du lịch, logistics, vận chuyển hàng hóa. Từ đó khớp nối tạo điều kiện phát triển hạ tầng khung về giao thông và các ngành, lĩnh vực đi theo.

Ông LÊ HUYỀN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận: Trở thành đòn bẩy thu hút đầu tư

Dự án đường cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo hoàn thành, đưa vào khai thác được đánh giá có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc kết nối các tỉnh Nam Trung bộ với TPHCM, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh phía Nam nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng. Tỉnh Ninh Thuận tận dụng được lợi thế của vùng, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, mở ra không gian phát triển mới và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, nhất là trong lĩnh vực du lịch, vận tải, logistics... Không chỉ vậy, tuyến đường cao tốc hoàn thành là một trong những “đòn bẩy” để tỉnh thu hút đầu tư. Ngoài lĩnh vực du lịch, tuyến cao tốc từ Khánh Hòa đến TPHCM hoàn thành còn thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động vận tải thông suốt, góp phần rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận chuyển từ tỉnh Ninh Thuận đến TPHCM và ngược lại.

Ông NGUYỄN MINH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận: Động lực để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo

Đường cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thông xe giúp việc di chuyển giữa các tỉnh Nam Trung bộ và TPHCM rất thuận lợi. Đường sá thông thoáng, thời gian rút ngắn, du lịch chắc chắn sẽ phát triển. Tuy nhiên, để phát huy lợi thế này, các tỉnh Nam Trung bộ nói chung, tỉnh Bình Thuận nói riêng cần phải nâng cấp dịch vụ du lịch, tạo ra những sản phẩm, loại hình du lịch mới, độc đáo để thu hút du khách. Đồng thời, các tỉnh khu vực Nam Trung bộ cần kết nối, hợp tác, liên kết với nhau để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, mang tính khác biệt của từng địa phương.

Tin cùng chuyên mục