Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN cho biết, theo báo cáo của HOSE, vào lúc 14 giờ 31 ngày 22-1, hệ thống giao dịch của Sở xảy ra sự cố kỹ thuật. HOSE đã báo cáo Bộ Tài chính, UBCKNN và đã thực hiện tạm ngừng giao dịch đợt khớp lệnh định kỳ giá đóng cửa và sau đó đã thông báo ngừng giao dịch ngày 23-1 để khắc phục sự cố.
HOSE đã cùng các chuyên gia của Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan (đơn vị cung cấp hệ thống) tích cực phân tích, tìm nguyên nhân và khắc phục sự cố suốt đêm qua. Các chuyên gia hy vọng thị trường giao dịch tại HOSE sẽ hoạt động bình thường trở lại từ ngày 24-1.
Đây là sự cố kỹ thuật đáng tiếc, nhưng cũng cần phải nhìn nhận những sự cố như thế này là rủi ro trong hoạt động mà bất cứ thị trường nào cũng có thể gặp phải. Trong quá khứ, chứng khoán trong nước cũng đã từng gặp sự cố kỹ thuật và phải dừng giao dịch liên tục 3 ngày vào tháng 5 - 2008.
Nhìn ra thị trường quốc tế, nhiều thị trường lớn, hiện đại cũng không tránh khỏi sự cố kỹ thuật và buộc phải tạm ngừng giao dịch. Điển hình như Sở Giao dịch Chứng khoán New York (năm 2005, 2013); Sở Giao dịch Chứng khoán NASDAQ (năm 2013), Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo (năm 2005).
Trong năm 2017, một số Sở Giao dịch Chứng khoán của Ấn Độ, Indonesia… cũng có sự cố kỹ thuật buộc phải tạm ngừng giao dịch trong nhiều giờ để khắc phục.
“Tôi mong muốn nhà đầu tư bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan các tác động của sự cố kỹ thuật này đến thị trường… Tôi đồng tình với các đánh giá cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển tốt, được hỗ trợ bởi tình hình kinh tế vĩ mô phát triển và dòng vốn nước ngoài vào mạnh, ổn định. Do vậy, các nhà đầu tư nên bình tĩnh trong nhìn nhận, đánh giá để quản trị rủi ro tốt trong đầu tư và không bỏ lỡ các cơ hội”, ông Trần Văn Dũng nói.