Theo chương trình nghị sự, sáng 20-7, sau nghi lễ khai mạc kỳ họp, dự kiến, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ có bài phát biểu quan trọng. Tiếp đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Cùng ngày, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên UBTVQH bằng hình thức bỏ phiếu kín. Đầu phiên họp chiều, dự kiến Chủ tịch Quốc hội vừa được bầu sẽ tuyên thệ nhậm chức. Đây là phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước tiện theo dõi. Trong ngày làm việc tiếp theo, ngày 21-7, trọng tâm chương trình nghị sự của kỳ họp vẫn là công tác nhân sự để bầu, phê chuẩn các chức danh Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Theo tờ trình gửi đến ĐBQH về cơ cấu Chính phủ mới, Chính phủ đề xuất cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV giữ ổn định 22 cơ quan, gồm 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ như khóa XIV.
Chính phủ cũng nêu rõ, trong quá trình xây dựng nội dung này, đã có những ý kiến đề xuất phương án đổi tên một số bộ, ngành và sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối một số bộ, ngành có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Chính phủ đã tổ chức nghiên cứu, thảo luận rất kỹ lưỡng, khoa học, thận trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, việc trước mắt giữ ổn định cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026 là cần thiết, phù hợp. Thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo tiến hành tổng kết 20 năm thực hiện mô hình tổ chức bộ máy của Chính phủ từ khóa XII đến khóa XV một cách bài bản, khoa học, tổng thể, toàn diện.