Quy định này rất đơn giản, chỉ cần nhập tờ khai, mọi dữ liệu tờ khai hải quan sẽ được đồng bộ trên hệ thống. Hoạt động thu phí hạ tầng đều sử dụng qua công nghệ và không sử dụng tiền mặt. Các hoạt động theo dõi và liên kết với các bên chỉ cần làm việc trên hệ thống. Cảng vụ Đường thủy nội địa hỗ trợ công tác kết nối, chia sẻ dữ liệu tờ khai và hàng hóa qua cảng lên hệ thống thu phí. Thông qua phần mềm, Cảng vụ Đường thủy nội địa và Cục Hải quan có thể theo dõi các doanh nghiệp kê khai và đóng phí.
Theo đề án thu phí, toàn bộ số tiền thu phí kết cấu hạ tầng sau khi trừ chi phí phục vụ công tác thu phí sẽ được nộp vào ngân sách thành phố. Sở Tài chính phối hợp với Sở KH-ĐT tham mưu thành phố bố trí sử dụng có mục tiêu cho đầu tư và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông kết nối cảng biển (đường bộ và đường thủy) theo danh mục đề xuất hàng năm của Sở GTVT, được UBND và HĐND TPHCM thông qua. Dự kiến tổng nguồn thu phí sử dụng cho công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021-2025 theo đề án khoảng 15.000 tỷ đồng.
Cùng ngày, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Hòa An cho biết, từ ngày 1-4, TPHCM bắt đầu thu phí hạ tầng cảng biển với mức phí thấp nhất 15.000 đồng cho mỗi tấn hàng không đóng trong container (hàng xuất nhập khẩu mở tờ khai tại TPHCM); cao nhất 4,4 triệu đồng mỗi container loại 40 feet (hàng tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, chuyển khẩu).
Theo kế hoạch đến năm 2025, có 14 dự án hạ tầng được triển khai từ nguồn thu nói trên. Cụ thể, đường Nguyễn Thị Định sẽ mở rộng lên 8 làn xe đoạn từ nút giao Mỹ Thủy đến phà Cát Lái, kinh phí khoảng 1.100 tỷ đồng; hoàn thiện nút giao vòng xoay Mỹ Thủy; xây mới cầu Kỳ Hà 4; mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ Vành đai 2 đến cảng Phú Hữu lên 30m, vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng; tuyến đường kết nối từ cảng Cát Lái đến Phú Hữu khoảng 950 tỷ đồng…