Xuất khẩu trong năm vừa qua của Iran (tính đến cuối tháng 3-2023) đã tăng 30% so với cùng kỳ năm 2022; khối lượng giao dịch vào khoảng 744 triệu USD. Nga là khách hàng nhập khẩu lớn thứ 10 đối với các sản phẩm của Iran.
Quan hệ Nga và Iran ngày càng trở nên gắn kết hơn, từ hợp tác quân sự đến liên kết địa chính trị. Trong cuộc xung đột Ukraine, hai quốc gia Á - Âu đã có sự tăng trưởng theo cấp số nhân trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư. Moscow hy vọng kim ngạch thương mại song phương sẽ đạt 40 tỷ USD trong những năm tới. Điều này diễn ra trong bối cảnh các kết nối dường như thành công giữa dịch vụ nhắn tin tài chính quốc gia SEPAM của Iran với hệ thống nhắn tin tài chính của Ngân hàng Nga (SPFS), có nghĩa cả hai quốc gia đều có thể bỏ qua mạng ngân hàng quốc tế SWIFT mà Nga bị phương Tây loại trừ.
Những năm trước, có tới 80% kim ngạch thương mại xuất khẩu Nga - Iran là các mặt hàng nông sản và thực phẩm. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Iran đã tăng 30% xuất khẩu hàng hóa công nghiệp sang Nga (polystyrene, máy bơm, linh kiện ô tô, máy công cụ để gia công kim loại và các sản phẩm tương tự) và kết quả là những đợt giao hàng này lần đầu tiên vượt mức hàng hóa của Nga xuất sang Iran.
Một yếu tố quan trọng trong việc mở rộng thương mại song phương giữa Nga và Iran là sự phát triển của vận tải hàng hóa qua biển Caspian. Tuyến đường này là nhánh giữa của hành lang giao thông quốc tế Bắc - Nam (INSTC), trong kịch bản lý tưởng sẽ kết nối các cảng của Nga với Vịnh Persic và các cảng của Ấn Độ. INSTC rất quan trọng đối với Iran vì nó mở ra thị trường xuất khẩu cho nước này không chỉ sang Nga mà còn sang Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Đông. Đáng chú ý là sự hòa dịu mới giữa Iran và Saudi Arabia cũng giúp thúc đẩy INSTC. INSTC cũng liên kết Iran với các thị trường Ấn Độ và Đông Nam Á, dự kiến sẽ hoạt động đầy đủ vào cuối năm 2023.
Sự hội tụ Nga - Iran ngày càng mang tính chiến lược, được thúc đẩy bởi cuộc xung đột tiếp diễn ở Ukraine, căng thẳng Mỹ - Trung, đối đầu Nga - phương Tây và được dự đoán ngày càng gần nhau hơn.