Cụ thể, bảng C, gồm các tỉnh, thành: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nội, Hà Nam và Thái Bình;
Bảng D có tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế;
Hội thi diễn ra ngày 23-8, tại Cung Văn hóa hữu nghị Việt Tiệp, thành phố hoa phượng đỏ- Hải Phòng.
Hội thi do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Công ty CP Truyền thông quốc tế EXPO thực hiện; Công ty CP Phân bón Bình Điền là nhà tài trợ chính.
Sau 1 ngày tranh tài sôi nổi và hào hứng, chiều 23-8, Ban tổ chức đã trao: giải Nhất cho các đội Vĩnh Phúc (bảng C) và Hà Tĩnh (bảng D); giải Nhì thuộc về đội Hải Phòng (bảng C) và Thanh Hóa (bảng D); đội Thái Bình và đội Nam Định đạt giải Ba, các đội còn lại đạt giải Khuyến khích.
Ngoài ra, Ban tổ chức cũng đã trao giải thưởng xuất sắc nhất, phần thi "Lời chào nông dân" cho đội Hải Phòng và Nghệ An; giải thưởng xuất sắc nhất phần thi "Nghe nông dân nói" thuộc về đội Hà Nội và đội Thừa Thiên - Huế; giải thưởng xuất sắc nhất, phần thi "So tài nhà nông" thuộc về đội Bắc Ninh và đội Quảng Trị.
Như vậy, các đội: Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và Hải Phòng sẽ chuẩn bị tham dự vòng thi bán kết và chung kết, dự kiến diễn ra từ ngày 29-9 đến ngày 2-10, tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Dập dìu mớ bảy, mớ ba
Nếu màu sắc chủ đạo của trang phục nữ nông dân về dự hội thi ở khu vực 4 (Bạc Liêu) là áo bà ba, ở khu vực 3 (Gia Lai) là váy áo thổ cẩm, thì dập dìu mớ bảy, mớ ba là trang phục chủ đạo của nữ nông dân trên sân khấu Nhà nông đua tài, tại khu vực 2 (Hải Phòng). Những bộ áo dài và áo tứ thân cách điệu mà các nữ nông dân Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình... trình diễn thật thướt tha, rực rỡ, mềm mại và thật đẹp.
"Nông dân mình rất tài" - đó là nhận xét của bà Lê Thị Hoàn, nhà ở đường Lạch Tray, cổ động viên của đội Hải Phòng.
Cũng theo bà Hoàn, những câu hỏi ở phần thi Kiến thức nhà nông rất khó, như: Theo luật Bảo vệ môi trường năm 2020, ứng phó với biến đổi khí hậu là gì? hoặc Chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Việt Nam là gì?... nhưng không làm khó được các đội.
Phần thi "So tài nhà nông" nhiều đội thể hiện tiểu phẩm như diễn viên chuyên nghiệp, chỉ có 5-6 phút mà làm được kịch có chuyện, có cao trào, thắt nút, mở nút, khiến khán giả chúng tôi phải vỡ òa, như các tiểu phẩm của đội Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Trị...
Đội Thanh Hóa chở về hội thi một xe 3,5 tấn đạo cụ. Mỗi phần thi của đội đều được bày biện minh họa sinh động và đẹp mắ và công phu.
Hội thi đã để lại ấn tượng tốt đẹp
Phát biểu bế mạc Hội thi, bà Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo hội thi khu vực 2, khẳng định: 16 đội đã mang đến Hội thi các sắc màu khác nhau thông qua nhiều hình thức múa, hát, thơ ca, tiểu phẩm ngắn giới thiệu những đặc trưng về vùng đất, con người, lịch sử, kinh tế, văn hóa của vùng châu thổ sông Hồng và Bắc miền Trung; về hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân, cũng như thể hiện sự hiểu biết về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết, quy chế hoạt động của Hội Nông dân.
Thông qua Hội thi chúng ta có thể thấy rằng nông dân các tỉnh, thành phố trong khu vực không những cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất mà còn tài năng, sáng tạo trên lĩnh vực nghệ thuật, thể hiện đậm đà nét văn hóa đặc sắc của các vùng, miền.
Hội thi đã thực sự trở thành sân chơi bổ ích, thiết thực, hiệu quả; là nơi để hội viên, nông dân thể hiện tài năng, sự am hiểu kiến thức của mình trên các lĩnh vực của cuộc sống và lao động sản xuất; đồng thời còn là cơ hội quý báu để giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu về văn hóa các địa phương trong khu vực.
“Hội thi cũng đã tiếp tục khẳng định là kênh tuyên truyền sinh động và hiệu quả của các cấp Hội Nông dân trong truyền tải những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết, chỉ thị của Hội, những kiến thức khoa học kỹ thuật, những vấn đề liên quan đến nông nghiệp - nông dân - nông thôn đến với đông đảo cán bộ và hội viên, nông dân... Tôi tin chắc rằng dư âm của cuộc thi khu vực hôm nay sẽ còn mãi trong lòng người dân các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ”- Bà Thơm nhấn mạnh
Cũng tại Hội thi, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền với thương hiệu “Phân bón Đầu Trâu – Bạn đồng hành của nhà nông” cũng khẳng định tiếp tục đồng hành cùng bà con nông dân trên bước đường tiếp cận và áp dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, phù hợp với xu hướng chung của hội nhập quốc tế trong kỷ nguyên công nghệ số 4.0 bằng các hoạt động thiết thực.
Ngoài tài trợ chính cho Hội thi, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cùng các công ty thành viên Bình Điền Ninh Bình và Bình Điền Quảng Trị đã mang đến cho Hội thi hoạt động bên lề với minigame “Quét mã QR – Nhận quà thả ga” rất có ý nghĩa, phù hợp với chủ đề Hội thi. Thông qua trò chơi, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền mong muốn hỗ trợ bà con nông dân làm quen với hoạt động tương tác trực tiếp trên điện thoại thông minh smartphone bằng cách quét mã QR để tham gia minigame tại hội thi. Khi bà con tham gia minigame tức bà con đã sẵn sàng tiếp cận công nghệ số bằng công cụ điện thoại thông minh smartphone, sẵn sàng làm quen với QR code, làm quen với việc cài đặt và ứng dụng phần mềm trên điện thoại… từ đó phần nào giúp bà con thay đổi cách nhìn, thay đổi phương thức tiếp cận thông tin phù hợp với kỷ nguyên công nghệ số 4.0. Ngoài ra, khi bà con tham gia trò chơi, bà con còn được tiếp cận các kiến thức liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp thông qua các bộ câu hỏi trắc nghiệm đến từ phần mềm của trò chơi cùng cơ hội nhận được nhiều phần quà hấp dẫn đến từ Công ty CP Phân bón Bình Điền. Và quả thực như thế, bà con nông dân chúng ta đã tiếp cận rất nhanh trò chơi, không khí tham gia minigame của bà con tại Hội thi quả thực rất sôi động, hào hứng và hấp dẫn. |