Hội thi giải pháp ứng dụng AI trên địa bàn TPHCM năm 2020: Tìm kiếm những sản phẩm AI thiết thực

Mục tiêu quan trọng từ Chương trình Trí tuệ nhân tạo (AI) của TPHCM đã được đặt ra là: AI tham gia triển khai ứng dụng trong đô thị thông minh, đô thị sáng tạo tại TPHCM, góp phần giải quyết các bài toán ứng dụng cấp bách của thành phố. 
Các bạn trẻ đăng ký dự thi giải pháp ứng dụng AI trong việc xử lý giao thông đô thị. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Các bạn trẻ đăng ký dự thi giải pháp ứng dụng AI trong việc xử lý giao thông đô thị. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đến năm 2025, các ứng dụng AI được áp dụng trong tất cả các ngành xây dựng, ngân hàng, du lịch, vận tải, viễn thông… tạo nên hạ tầng, môi trường đổi mới sáng tạo để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế số của TPHCM. Góp phần thực tế hóa mục tiêu trên, hội thi Giải pháp ứng dụng AI trên địa bàn TPHCM năm 2020 đang tìm kiếm những nhân tài ứng dụng AI vào thực tế. 

Ứng dụng AI tiềm năng

AI đang trở thành chiến lược toàn cầu trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong xu thế đó, TPHCM với tiềm lực là một thành phố trẻ có đội ngũ khoa học - công nghệ (KH-CN) cao đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đang từng bước xây dựng chiến lược cho sự phát triển của ngành AI, nền móng cơ bản trong thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị thông minh. Việc ứng dụng công nghệ AI vào cuộc sống cũng như quản lý hành chính được lãnh đạo thành phố quan tâm đầu tư và đẩy mạnh. 

Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở TT-TT TPHCM đã tham mưu và xây dựng chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI tại TPHCM giai đoạn 2020-2030”. “Hội thi Giải pháp ứng dụng AI trên địa bàn TPHCM năm 2020” được tổ chức với mục tiêu thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ứng dụng AI; khuyến khích các cá nhân, nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước đề xuất các giải pháp tiên tiến ứng dụng AI phục vụ cuộc sống. 

Hội thi do UBND TPHCM chủ trì, Sở TT-TT là đơn vị triển khai thực hiện, với sự phối hợp của các đơn vị: Đại học Quốc gia TPHCM, Sở KH-CN, Hội Tin học TPHCM và Thành đoàn TPHCM. Đối tượng tham gia hội thi là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người Việt Nam trong và ngoài nước, người nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc tại TPHCM. Hội thi là dịp tuyên dương, tôn vinh các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân có các công trình nghiên cứu, giải pháp, sản phẩm, dịch vụ ứng dụng AI xuất sắc và tiềm năng.

Hàng trăm đội, hàng chục giải pháp

Được phát động từ ngày 25-6, ban tổ chức mong muốn tìm kiếm và ứng dụng các giải pháp sử dụng AI nhằm giải quyết các bài toán được đặt ra trong bối cảnh thành phố đang tập trung đầu tư phát triển và đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh, xây dựng nguồn lực chất lượng cao. 

Ban tổ chức hội thi đã triển khai 2 nhóm chính. Nhóm thứ nhất, cuộc thi Thử thách trí tuệ nhân tạo (AI-Challenge) với chủ đề “AI với giao thông thông minh” được tổ chức theo hình thức cuộc thi khoa học, tương tự các cuộc thi được tổ chức trên thế giới, nhằm tìm kiếm giải pháp hiệu quả cho các vấn đề đang được quan tâm phục vụ cuộc sống. Thí sinh tham dự nhóm này sẽ phát triển các thuật toán AI để giải quyết bài toán thực tế, ứng dụng phục vụ cho giao thông TPHCM. Đến nay đã có 216 đội, 528 thí sinh tham dự hội thi.

Còn nhóm 2, Sản phẩm ứng dụng AI (AI-Solution), đưa ra các giải pháp, sản phẩm ứng dụng công nghệ AI trong sản xuất, kinh doanh, giao thông, tài chính, y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp và phục vụ cộng đồng xã hội. Nhóm này khuyến khích theo định hướng: Các sản phẩm, giải pháp đã được thương mại hóa; các công trình nghiên cứu khoa học đã được đóng gói, sẵn sàng chuyển giao hoặc đã được chuyển giao; các dự án khởi nghiệp sáng tạo đã được ứng dụng vào thực tế; các sản phẩm, giải pháp đã được ứng dụng trong công tác xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Đến nay, ban tổ chức đã nhận được 37 sản phẩm. 

Theo Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lê Quốc Cường, ban tổ chức mong muốn tuyên truyền rộng rãi, làm lan tỏa sự sáng tạo của các giải pháp KH-CN mới ứng dụng AI, thu hút sự quan tâm của các cá nhân, các nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước vào việc giải quyết các bài toán thiết thực xuất phát từ thực tiễn tại TPHCM, từ đó có thể ứng dụng rộng rãi trong cả nước, hướng đến khu vực và quốc tế.


Theo bà Ngô Thị Tú Trinh, Trưởng phòng Phát triển phong trào sáng tạo - Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ - Thành đoàn TPHCM, để khuyến khích các cá nhân, đơn vị tham gia, ban tổ chức đưa ra giải thưởng rất giá trị: Giải nhất 100 triệu đồng, giải nhì 30 triệu đồng, giải ba 20 triệu đồng. Ngoài ra còn có các giải thưởng phụ: giải thưởng video clip ấn tượng và giải thưởng poster được yêu thích nhất, mỗi giải 5 triệu đồng. 

Quyền lợi cho cá nhân hoặc đơn vị đoạt giải: Với nhóm 1, các thuật toán, giải pháp đạt kết quả tốt có thể được đề nghị tích hợp vào các sản phẩm tiềm năng của thành phố; được hỗ trợ giới thiệu thuật toán, giải pháp đến các đơn vị đang triển khai chính quyền điện tử, đô thị thông minh; được tạo điều kiện thuận lợi để đăng ký các giải pháp hữu ích, vườn ươm sản phẩm tiềm năng từ thuật toán, giải pháp đoạt giải; được giới thiệu với các chuyên gia, nhà khoa học để tiếp tục hướng dẫn hoàn thiện thuật toán, giải pháp.

Với nhóm 2, được tham gia triển lãm và giới thiệu sản phẩm miễn phí tại ngày hội CNTT và AI TPHCM 2020; được hỗ trợ kết nối giới thiệu sản phẩm tới các đơn vị đang triển khai chính quyền điện tử, đô thị thông minh; được xem xét bổ sung vào danh mục các sản phẩm tiềm năng của thành phố…

Tin cùng chuyên mục