Ngày 4-12, chia sẻ tại họp báo, TS Ngô Phương Lan, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật (LLPB VHNT) Trung ương cho biết, hội thảo dự kiến có sự tham dự của 250 đại biểu, thu hút được hơn 100 tham luận của nhiều nhà phê bình lý luận, các nhà quản lý...
Theo bà Lan, hội thảo hướng tới những mục tiêu khảo sát, phân tích, đánh giá, làm rõ một số nội dung như: Đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trong tiến trình xây dựng, phát triển LLPB văn nghệ nước ta 50 năm sau ngày đất nước thống nhất; quá trình giao lưu, tiếp biến lý luận văn nghệ nước ngoài và những vấn đề đặt ra trong quá trình giao lưu, tiếp nhận đã và cần được giải quyết; quá trình kế thừa và cách tân lý luận văn nghệ của dân tộc trong tiến trình xây dựng lý luận văn nghệ Việt Nam; thành tựu và hạn chế của LLPB văn nghệ Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước thống nhất...
Theo nhận định ban đầu, dù có nhiều cách tiếp cận, đánh giá và thể hiện khác nhau (từ góc độ sáng tác, nghiên cứu, giảng dạy hoặc xuất phát từ thực tiễn vận động của văn học, nghệ thuật; từ vấn đề tiếp nhận, vận dụng lý thuyết hoặc tiến trình và xu hướng vận động, phát triển của văn học, nghệ thuật...) nhưng 100 tham luận gửi về đều bám sát chủ đề và các yêu cầu hội thảo.
Kết quả hội thảo là cơ sở khoa học để hội đồng tư vấn giúp Đảng và Nhà nước xây dựng chiến lược phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới; gợi mở để các cơ quan, đơn vị, các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương đổi mới phương thức lãnh đạo, có những chính sách phù hợp nhằm phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước