Hội thảo "Tài chính xanh: Chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa doanh nghiệp và ngân hàng"

Sáng 18-10, Báo SGGP Đầu tư Tài chính phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức hội thảo “Tài chính xanh: Chia sẻ lợi ích – rủi ro giữa doanh nghiệp và ngân hàng”.

Trên sân chơi toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với áp lực lớn trong việc đầu tư vào các cam kết chuyển đổi xanh. Trong khi đó, sự thiếu hụt về vốn xanh và hỗ trợ tài chính từ các ngân hàng, Chính phủ vẫn đang là một thách thức đáng kể.

Hội thảo lần này là cơ hội để các doanh nghiệp, ngân hàng và các bên liên quan cùng nhau chia sẻ những cơ hội và rủi ro, thảo luận về các công cụ tài chính mới như trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh và các sáng kiến hỗ trợ tài chính khác.

7131dc059f8f26d17f9e.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chủ tọa hội thảo gồm ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội; TS Trần Du Lịch, Chủ tịch hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98; Nhà báo Nguyễn Nhật, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo SGGP; bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp.

Cùng tham gia hội thảo có các chuyên gia GS-TS Trần Ngọc Thơ - Đại học Kinh tế TPHCM; TS Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol (Vương Quốc Anh); Thạc sỹ Nguyễn Thị Thu Hà, Đại học Kinh tế TPHCM; Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký VIAC. Đại diện các tổ chức tài chính cùng tham buổi hội thảo gồm có ông Trần Hoài Phương, Giám đốc khối khách hàng - doanh nghiệp HDBank; ông Phạm Linh, Phó Giám đốc VietABank; ông Tôn Thất Hạc Minh, tư vấn trưởng Công ty CP năng lượng và môi trường thông minh (BYECO2); ông Tô Vĩ Hùng, Giám đốc Tài chính Công ty Zarubezhneft Việt Nam; bà Mai Nguyên, đại diện Công ty tài chính quốc tế (IFC); bà Bùi Thị Thu Hà, Quản lý dự án Tài chính công bằng Việt Nam (FFV); ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam; lãnh đạo các ngân hàng, hiệp hội doanh nghiệp, môi trường của Việt Nam; các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, thủy sản, da giày, thép, gỗ, ô tô, dịch vụ thương mại…

ea5a165055daec84b5cb.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tín dụng xanh còn gặp nhiều khó khăn

Phát biểu đề dẫn khai mạc hội thảo, Nhà báo Nguyễn Nhật, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo SGGP cho biết, trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Chính phủ Việt Nam xác định mục tiêu trong giai đoạn mới: Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Mục tiêu của chiến lược bao gồm giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

img-0363-1647 (1).jpeg
Quang cảnh buổi hội thảo

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh năm 2023, các hoạt động kinh tế xanh tại Việt Nam đã giúp tạo ra 6,7 tỷ USD vào năm 2020, chiếm khoảng 2% tổng GDP. Trong đó 83% đến từ các ngành: lĩnh vực năng lượng với 41%, các hoạt động nông - lâm nghiệp với 28% và hoạt động công nghiệp với 14%; 17% còn lại đến từ các ngành giao thông và vận tải, xử lý chất thải và xây dựng. Ước tính vào năm 2020, nền kinh tế xanh đem lại được hơn 400.000 việc làm.

f42388c4d34e6a10335f-2037.jpg
Nhà báo Nguyễn Nhật phát biểu khai mạc hội thảo

Còn theo Viện Nghiên cứu tăng trưởng xanh toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 13/43 quốc gia châu Á về Chỉ số tăng trưởng xanh vào năm 2022. Tại báo cáo đầu tư toàn cầu 2022 của UNCTAD, Việt Nam đứng thứ 2 trong số các quốc gia đang phát triển về tỷ lệ vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo. Giai đoạn 2015-2022, vốn đầu tư cho các nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam đạt 106,5 tỷ USD, tương đương 31% tổng nguồn vốn đầu tư, xếp thứ 2 trong các quốc gia đang phát triển trên thế giới, chỉ sau Brazil.

Đối với nguồn vốn cho tín dụng xanh, dù đã nỗ lực huy động các nguồn vốn từ thị trường phi tín dụng, nhưng nhìn chung tín dụng xanh từ ngân hàng vẫn là công cụ huy động vốn chủ yếu cho các dự án xanh. Còn thị trường trái phiếu xanh khá mới mẻ, quy mô chỉ chiếm khoảng 1% thị trường trái phiếu.

Tính đến 30-6-2024 đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 650.300 tỷ đồng, tăng 4,71% so với cuối năm 2023, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (chiếm gần 30%).

Tuy nhiên, theo Nhà báo Nguyễn Nhật kết quả tín dụng xanh vẫn còn hạn chế bởi các giải pháp của ngành ngân hàng còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, Việt Nam chưa có quy định chung về Danh mục phân loại xanh phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế để các tổ chức tín dụng có cơ sở đánh giá cụ thể đối với từng dự án trong quá trình thẩm định cho vay, tập trung, ưu tiên bố trí nguồn vốn hợp lý tài trợ cho các dự án thuộc Danh mục phân loại xanh.

“Buổi hội thảo hôm nay sẽ là cầu nối để các diễn giả, các chuyên gia, các ngân hàng và doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ những cơ hội và rủi ro, thảo luận về các công cụ tài chính để các nhà quản lý và hoạch định chính sách tìm ra tiếng nói chung cho hành trình xanh của nền kinh tế”, Nhà báo Nguyễn Nhật nhấn mạnh.

7c27563a0ab0b3eeeaa1.jpg
TS Trần Du Lịch phát biểu định hướng hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hội thảo sẽ gây được tiếng vang trong xây dựng chính sách

Phát biểu định hướng cho hội thảo, TS Trần Du Lịch hoan nghênh báo SGGP tổ chức hội thảo này với chủ đề mà các doanh nghiệp rất quan tâm. Theo TS Trần Du Lịch, TPHCM bước vào giai đoạn mới, kỷ nguyên mới trong phát triển kinh tế, trong đó trụ cột là chuyển đổi xanh và số.

Chuyển đổi số trụ cột là hạ tầng số. Còn chuyển đổi xanh trụ cột là chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch cực kỳ quan trọng. TPHCM tập trung chuyển đổi công nghiệp, gồm việc chuyển đổi số, xanh các ngành công nghiệp và chuyển đổi chức năng hoạt động một số KCN, KCX đang tồn tại 30 năm qua.

Trong quá trình chuyển đổi này, câu hỏi đặt ra là TPHCM sẽ làm gì? Diễn đàn kinh tế TPHCM vừa qua đã phân tích việc này, trả lời câu hỏi nếu chuyển đổi thì TPHCM có còn phát triển các ngành dệt may, da giày… nữa hay không. Chuyên gia nước ngoài đã nói rằng, con người dù thời đại, kỷ nguyên nào cũng phải sử dụng những sản phẩm đó. Chỉ khác là TPHCM cần nâng cấp công nghiệp TPHCM. Như ngành may mặc, là nâng cấp, số hóa và xanh hóa và lựa chọn những công đoạn có giá trị gia tăng cao.

Dẫn câu chuyện trên, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh, không phải bỏ mà là nâng cấp công nghiệp truyền thống lên giai đoạn phát triển mới, ở đó hàm lượng trí tuệ, công nghệ cao hơn, lấy tôn chỉ giảm khí thải carbon, tiến tới net zero mà ngành công nghiệp phải đi đầu.

Thực hiện chuyển đổi xanh, TS Trần Du Lịch cho biết TPHCM đã làm một số việc, đó là vận dụng Nghị quyết 98, HĐND TPHCM từ 9-2023 đã ban hành Nghị quyết 09 hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ cao, số, xanh với tiêu chí cụ thể, hiện đang triển khai bằng ngân sách. Nhưng theo ông, việc này chưa đủ.

895c516e12e4abbaf2f5.jpg
Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Từ năm 2015, Việt Nam đã bắt đầu quy trình sử dụng tín dụng xanh thông qua hoạt động của Ngân hàng Nhà nước. Khi đó, NHNN cùng IMF ban hành sổ tay hướng dẫn về tín dụng xanh, sau đó là một loạt hướng dẫn. Tốc độ tăng trưởng của tín dụng xanh Việt Nam khá cao, nhưng tỷ lệ tín dụng xanh trong tổng dư nợ tín dụng vẫn còn thấp. Chủ yếu ở nước ta mới có tín dụng xanh trong lĩnh vực năng lượng, còn các lĩnh vực khác khá khiêm tốn. Năm 2023 tín dụng xanh mới có khoảng 500.000 tỷ đồng trong tổng dư nợ tín dụng khoảng 14,7 triệu tỷ đồng. Vậy tín dụng xanh còn khá khiêm tốn.

Vấn đề làm sao mở rộng nó? Trước câu hỏi này, TS Trần Du Lịch cho biết riêng TPHCM, nhu cầu tín dụng xanh, trước tiên là hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, số trong KCN, ngoài KCN. Tập trung phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh trong đó có điện sinh khối, xây dựng chương trình giảm khí thải giao thông… Những việc này đòi hỏi lượng tín dụng rất lớn cho doanh nghiệp, rất cần chính sách.

28ab71ca2d40941ecd51.jpg
Thông tin hội thảo Tài chính xanh. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Từ đó, TS Trần Du Lịch đặt vấn đề, hiện khung pháp lý đã có một số quy định nhưng để doanh nghiệp có thể tiếp cận tín dụng xanh, cần làm rõ tiêu chí xác định tín dụng xanh, thước đo môi trường. Đây là hạn chế vướng mắc lớn hiện nay.

Về nguồn vốn cho tín dụng xanh, không chỉ ngân hàng thương mại mà còn phải huy động được từ các tổ chức tài chính quốc tế.

Đồng thời tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để tạo an toàn cho tổ chức tín dụng và cho người đi vay. Cùng với đó là đào tạo nguồn nhân lực và đề nghị các NHTM xây dựng đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp về tín dụng xanh để tiếp cận, tiếp cận tư vấn giảm rủi ro cho doanh nghiệp.

Cùng với đó là đa dạng hóa sản phẩm. Tín dụng xanh không chỉ tài trợ điện gió, điện mặt trời mà phải cho cả hệ sinh thái doanh nghiệp trong ngành. Dần dần các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn đều được tiếp cận tín dụng xanh. Cuối cùng, tư vấn cho doanh nghiệp giảm rủi ro. Trong đó, tăng nợ xấu là điểm rất quan trọng.

Do vậy rất cần thiết để xây dựng một hệ thống cảnh báo rủi ro để tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đều yên tâm, từ đó tỷ trọng tín dụng xanh ngày một tăng lên. Theo TS Trần Du Lịch, chỉ khi nào con số tín dụng xanh của nền kinh tế, từ khoảng 3%, 4% lên 30-40% tổng dư nợ tín dụng thì sự chuyển biến kinh tế xanh mới được đánh giá là kết quả tốt. Đây là chỉ báo quan trọng đánh giá sự chuyển đổi xanh.

TS Trần Du Lịch kỳ vọng Hội thảo sẽ có tiếng vang về đóng góp chính sách cho tín dụng xanh.

Tin cùng chuyên mục