Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài nước, lãnh đạo các Vụ của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, ngành tư pháp các địa phương…
Báo cáo đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Trần Hoàng Hải, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho biết, hội thảo là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên giữa các nhà nghiên cứu, những người thực thi pháp luật trong nước và quốc tế. Đồng thời, giới thiệu các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế về tư pháp đối với người chưa thành niên; giới thiệu và phân tích pháp luật, thực tiễn áp dụng tại một số quốc gia như Mỹ, Canada, Ấn Độ…
Từ đó, các chuyên gia cùng tìm hiểu các cách thức tiếp cận mới, những kinh nghiệm thực tiễn trong phòng ngừa và xử lý tội phạm do người chưa thành niên thực hiện; đề xuất các giải pháp cải cách pháp luật và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên của Việt Nam.
Hội thảo tập trung thảo luận 4 chủ đề: xử lý chuyển hướng và tư pháp phục hồi; đảm bảo việc xét xử công bằng đối với các vụ án hình sự liên quan đến người chưa thành niên; các biện pháp xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội; tổ chức hệ thống tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên.
Theo PGS.TS. Trần Hoàng Hải, tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên là một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống tư pháp hình sự của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tiệm cận với các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế; những cách thức tiếp cận đã được chứng minh là rất phù hợp và hiệu quả trong việc xử lý các vụ án hình sự liên quan đến người chưa thành niên như xử lý chuyển hướng, tư pháp phục hồi chưa được nhận thức đúng đắn, đầy đủ tại Việt Nam; việc thực thi pháp luật về lĩnh vực này cũng còn những bất cập…
Theo PGS.TS. Trần Hoàng Hải, thực trạng này cho thấy việc tiếp tục cải cách pháp luật và nâng cao năng lực hệ thống tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên ở nước ta là một nhu cầu cấp bách và cần thiết.
Tại hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Phương Hoa (Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật TPHCM) góp ý về biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng trong quy định của Bộ Luật Hình sự. Giáo dục tại trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý hình sự đặc thù, chỉ được áp dụng đối với người chưa thành niên. Tính nghiêm khắc của biện pháp này cao hơn một số hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, vì vậy cần phải cân nhắc khi áp dụng biện pháp này.
Trong khi đó, ông Sébastien Lafrance, Công tố viên của Cơ quan Công tố Canada, Giáo sư Luật tại Đại học Ottawa, nêu thực tiễn tại Canada, các thẩm phán dành cho người trẻ một phạm vi rộng các loại hình phạt và biện pháp mà họ có thể áp dụng. Tòa án có sự lựa chọn để áp dụng cho người trẻ, trong số nhiều biện pháp: một sự khiển trách, một sự tha miễn tuyệt đối, một khoản phạt tiền, thực hiện một dịch vụ cộng đồng, hoặc một lệnh giam giữ…
Đối với Việt Nam, ông Sébastien Lafrance đồng thuận với các đề xuất của các chuyên gia tại Việt Nam đề nghị các hình phạt có thể được áp dụng cho người chưa thành niên phạm tội nên được mở rộng, cung cấp cho tòa án nhiều sự lựa chọn hơn khi xác định một biện pháp cụ thể, hoặc một sự trừng phạt đối với các bị cáo chưa thành niên. Khung pháp lý (có thể áp dụng cho người trẻ) nên ban hành một phạm vi rộng hơn các lựa chọn về hình phạt để tòa án chọn lựa biện pháp phù hợp nhất để áp dụng trong từng vụ án.
Trong phiên thảo luận buổi chiều cùng ngày, TS. Lê Nguyên Thanh, Trưởng Bộ môn Tội phạm học, Khoa Luật Hình sự, Trường Đại học Luật TPHCM trình bày tham luận với chủ đề “Hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam”. Tham luận đề cập các nội dung về thủ tục hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi như: điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ của người hỏi cung; sự có mặt của người bào chữa và người đại diện; thời gian, địa điểm hỏi cung và các quy định khác bảo đảm hỏi cung thân thiện. Bộ Luật Hình sự năm 2015 đã có những quy định rất tiến bộ về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi, trong đó có các quy định về hỏi cung bị can theo chuẩn mực quốc tế, bảo đảm thân thiện. Tuy nhiên, các quy định về hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi vẫn chưa được cụ thể và toàn diện. Vì vậy, hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi là chủ đề cần được tiếp tục nghiên cứu.
Bàn về quy định biện pháp tạm giam đối với người chưa thành niên trong tố tụng hình sự Việt Nam, TS. Võ Thị Kim Oanh và cộng sự là Thạc sĩ Trịnh Duy Thuyên (Khoa Luật, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân TPHCM) cho rằng, biện pháp tạm giam có vai trò quan trọng trong quá trình các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án hình sự nhằm kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động bình thường của các cơ quan tiến hành tố tụng... Thực tiễn đã chứng minh biện pháp này đã mang lại những hiệu quả nhất định trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên, đây là biện pháp nghiêm khắc và ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân mà nhất là đối với người chưa thành niên.
Qua hội thảo, các nhà nghiên cứu đã dẫn ra nhiều vấn đề thực tiễn còn bất cập. Đồng thời, đề xuất hướng hoàn thiện cho pháp luật Việt Nam. Các trường hợp giải quyết vấn đề tương tự ở các quốc gia khác đã được các khách mời quốc tế trình bày, chia sẻ hướng giải quyết trong tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên.