Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi về hiện trạng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các nguồn điện gió, điện mặt trời và điện khí tại Việt Nam.
Trong ba năm thực hiện cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, với cơ chế giá cố định khuyến khích - FIT, đến 31-12-2020 hệ thống điện đã tiếp nhận khoảng 17.000 MW điện mặt trời. Cũng cơ chế giá FIT tương tự, đến ngày 31-10-2021 hệ thống điện đã tiếp nhận khoảng 4.000 MW điện gió được đưa vào vận hành. Các cơ chế ưu đãi khuyến khích này đã tạo thuận lợi lớn cho các nhà đầu tư khai thác tiềm năng, phát triển rất nhanh các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững theo định hướng của Bộ Chính trị trong Nghị quyết 55/NQ-TW.
Các cơ chế giá FIT cho điện gió, điện mặt trời đã tạo động lực thúc đẩy phát triển một lượng lớn công suất điện mặt trời và điện gió, tạo tiền đề cho việc ngày càng tăng cao tỷ lệ NLTT trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khối ASEAN về quy mô và tỷ lệ các nguồn điện gió và mặt trời, chiếm tới 27% tổng công suất nguồn điện (tính đến quý 1-2022).
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, với xu hướng giảm dần nhiệt điện than và phát triển các nguồn năng lượng sạch hơn, nhiều địa phương đã kiến nghị không dành quỹ đất cho đầu tư điện than dù đã có trong quy hoạch điện lực quốc gia, đồng thời xuất hiện trào lưu đề nghị đầu tư nhà máy điện khí hóa lỏng (LNG) tại các địa phương. Tuy nhiên, cơ chế về huy động vốn đầu tư từ tư nhân, cơ chế tham gia thị trường điện đối với loại hình điện khí này vẫn chưa rõ ràng, có thể dẫn đến những rủi ro không nhỏ cho nhà đầu tư, kể cả những lúng túng về pháp lý đối với bên mua điện và cơ quan điều hành thị trường điện.
Để tháo gỡ những bất cập nêu trên, tiếp tục xu thế phát triển NLTT, năng lượng sạch theo Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, cũng như hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, Hội thảo quốc tế này là sự kiện nhằm hội tụ các thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm xung quanh vấn đề trên và có các đề xuất, kiến nghị để Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách mới phù hợp.
Tham luận tại Hội thảo là các cơ quan quản lý nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty trong nước và quốc tế như: Văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực, Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Vụ Dầu khí và Than, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Hồ Chí Minh, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Khí Việt Nam…
Cùng với đó là các tham luận của các nhà đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành, cấp tín dụng: Tập đoàn T&T, BB Group, Công ty CP Xây dựng Công trình IPC, Tập đoàn Sao Mai Group, Marubeni Power Việt Nam, Equinor ASA tại Việt Nam, VinaCapital, Ngân hàng HDBank v.v… Hơn nữa, việc phát triển nguồn điện gió, mặt trời và điện khí tại Việt Nam đang là xu hướng tất yếu trong cả giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Tại hội thảo, các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học về kinh tế, năng lượng đã có những ý kiến phản biện, thảo luận một số cơ chế, chính sách phát triển các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam và đề xuất các giải pháp tối ưu.