Hội thảo quốc gia “Đất và Phân bón” lần 1-2024: Nhiều giải pháp hữu ích góp phần nâng cao chất lượng sử dụng phân bón trong canh tác lúa ở ĐBSCL

Ngày 2-10 tại thành phố Cần Thơ, Cục Trồng trọt phối hợp với Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) và Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền tổ chức Hội thảo quốc gia “Đất và phân bón” lần thứ nhất năm 2024, với chủ đề “Thực trạng độ phì nhiêu đất lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón trong canh tác lúa”.

Các nhà khoa học tham dự diễn đàn tại hội thảo
Các nhà khoa học tham dự diễn đàn tại hội thảo

Tham dự hội thảo có sự tham gia của UBND thành phố Cần Thơ, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật; Trung tâm Khuyến nông quốc gia; các hiệp hội: Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam, Phân bón Việt Nam; Viện KHNN Việt Nam và các đơn vị thành viên; Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp Nam bộ; Trường Đại học Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ); Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Cửu Long, Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ)… Lãnh đạo và chuyên viên các Sở NN-PTNT; Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL… tham dự và đóng góp ý kiến.

Hội thảo lần này nằm trong chuỗi Hội thảo về “Đất và phân bón” do Công ty CP phân bón Bình Điền tài trợ sẽ được ban tổ chức tiến hành thường niên với các chủ đề khác nhau, hướng đến các vùng sinh thái và cây trồng chính trong cả nước. Do vậy, các báo cáo tham luận và thảo luận tại hội thảo này chỉ tập trung cho hiện trạng độ phì nhiêu đất lúa và sử dụng hiệu quả phân bón trong canh tác lúa vùng ĐBSCL.

IMG_3104.jpg
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền Ngô Văn Đông ký thoả thuận hợp tác với Viện nghiên cứu lúa quốc tế

Các báo cáo khoa học được trình bày tại hội thảo đều hướng đến mục đích đánh giá thực trạng độ phì thực tế của đất trồng lúa vùng ĐBSCL trong vòng 5 năm gần đây. Từ đó xác định yếu tố hạn chế của đất để đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm chi phí, tăng thu nhập cho người dân và giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) đã giới thiệu khái quát kết quả triển khai “Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long” (Đề án 1 triệu ha) dưới góc nhìn từ sử dụng đất và phân bón hợp lý; đại diện Công ty CP phân bón Bình Điền trình bày kết quả của “Chương trình canh tác lúa thông minh tại ĐBSCL” giai đoạn 2016-2021 và 2022 đến nay; Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) trình bày báo cáo về “Giải pháp hỗ trợ tăng hiệu quả sử dụng phân bón và giảm phát thải trong sản xuất lúa”.

Hội thảo còn đón nhận thêm một số báo cáo đến từ Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp Nam bộ; Trường Đại học Nông nghiệp (thuộc ĐH Cần Thơ)…

IMG_3105.jpg
Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền ký thoả thuận hợp tác các doanh nghiệp

Phát biểu tại hội thảo, ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền nói: “ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của cả nước, cung cấp hơn 50% sản lượng lúa và 90% khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Đây cũng là vùng từng được thiên nhiên ưu đãi với đất đai màu mỡ, nguồn nước ngọt dồi dào với lượng phù sa cung cấp hàng năm nhiều về khối lượng và rất tốt về chất lượng, giúp cho canh tác lúa và nhiều cây trồng khác rất hiệu quả.

Tuy nhiên, gần đây theo đánh giá của Bộ TN-MT, ĐBSCL đã trở thành một trong 3 đồng bằng trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, với các vấn đề như nước biển dâng, khai thác thượng nguồn, sụt lún… Việc thâm canh quá mức, tăng vụ, bón phân không cân đối, rơm rạ không được tái sử dụng cùng với xâm nhập mặn, giảm lượng phù sa từ thượng nguồn sông Mekong đổ về hàng năm… làm cho sản xuất lúa đứng trước rất nhiều thách thức như chi phí tăng cao, hiệu quả chưa tương xứng với đầu tư.

Nhận thức được bản chất của vấn đề này, từ năm 2016, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền cùng với Cục Trồng trọt, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL đã triển khai “Chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”. Sau gần 10 năm thực hiện, việc hài hòa một cách thông minh các yếu tố đầu vào đã cho hiệu quả rõ rệt, quy trình canh tác của do chương trình đề xuất đã được Bộ NN-PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật.

Qua chương trình canh tác lúa thông minh, với tư cách là nhà cung cấp giải pháp sử dụng phân bón phù hợp trong mối quan hệ với canh tác lúa, chúng tôi nhận thấy, chỉ khi hiểu được bản chất của độ phì nhiêu của đất, phát hiện đúng yếu tố hạn chế cho sản xuất lúa sẽ cho phép sử dụng phân bón đúng, đáp ứng mục tiêu: Giảm chi phí, tăng hiệu quả và giảm phát thải khí nhà kính.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hội thảo lần này được xem là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý, địa phương gặp gỡ và trao đổi để những đề xuất vừa mang tính khoa học lại vừa đảm bảo tính thực tiễn, có khả năng ứng dụng và nhân rộng cao, đồng thời hỗ trợ tạo nên mạng lưới hợp tác trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ về đất và phân bón trong cả nước.

Dịp này, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) đã ký kết Thoả thuận hợp tác với Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền về nghiên cứu, đánh giá và phát triển công nghệ xử lý rơm rạ trên đồng giai đoạn 2024-2027. Bên cạnh đó, Bình Điền cũng ký Thoả thuận hợp tác với một số doanh nghiệp thực hiện chương trình “Canh tác lúa thông minh giảm phát thải vùng ĐBSCL giai đoạn 2024-2027”.

Tin cùng chuyên mục