Các đại biểu đã bàn luận sâu về các vấn đề khung pháp lý về cho vay qua app; pháp lý về cấp tín dụng, mở tài khoản online. Trong đó, các đại biểu tranh luận sôi nổi về việc mở tài khoản online thì sử dụng chữ ký số, chữ ký điện tử thế nào, làm sao để bảo mật thông tin khách hàng… Một số đại biểu cho rằng, cần phân biệt chữ ký điện tử (theo luật giao dịch điện tử, do các bên thoả thuận với nhau) và chữ ký số (loại chữ ký điện tử, do bên thứ 3 cung cấp và xác thực, đảm bảo đầy đủ chức năng chữ ký điện tử). Và hiện nay các ngân hàng đang sử dụng chữ ký điện tử bằng các hình thức như xác nhận khách hàng qua mã OTP trên điện thoại, xác nhận qua sinh trắc học để chụp hình cá nhân trùng khớp với chứng minh nhân dân… Và theo Luật Giao dịch điện tử thì những ký hiệu, xác nhận bằng hình thức điện tử được xác định như giao dịch điện tử, nên không cần chữ ký số vì tốn kém thêm chi phí.
Nhiều đại biểu đề xuất cần có sự kiểm soát chặt chẽ và có khuôn khổ pháp lý để kiểm tra các hoạt động kinh doanh tiền tệ qua mạng; các công ty công nghệ tài chính (Fintech) phải chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước vì những hoạt động đó có liên quan đến kinh doanh tiền tệ. Đồng thời, nhà nước cần có quy định khống chế lãi suất đối với hoạt động cho vay của các công ty tài chính và nếu kinh doanh điện tử phải tuân thủ quy định pháp luật về giao dịch điện tử. Nền tảng công nghệ cung ứng cho dịch vụ ngân hàng cần luật hóa, mọi hoạt động của công ty Fintech phải tuân thủ theo quy định kinh doanh tiền tệ, phải minh bạch lãi, khống chế trần lãi suất và phải có cơ chế để bảo vệ bên yếu thế (người vay)…
Trong khi đó, một số đại biểu thì đề xuất, cần giao việc chủ động ứng dụng công nghệ cho các tổ chức tín dụng tự chủ động thực hiện.