Hội thảo khoa học về tầm vóc chiến lược của chiến thắng Đường 14 - Phước Long

Sáng 5-1, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước phối hợp với Thị ủy Phước Long tổ chức Hội thảo khoa học “Ý nghĩa lịch sử và tầm vóc chiến lược của chiến thắng chiến dịch Đường 14 – Phước Long”.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Chiến thắng Đường 14 - Phước Long mang ý nghĩa là “Đòn trinh sát chiến lược”, là một thực tiễn lớn để thăm dò sức chiến đấu, đánh giá khả năng phản ứng của ngụy và khả năng quân Mỹ có can thiệp trở lại miền Nam khi quân ta đánh lớn hay không. Sau chiến thắng Đường 14 – Phước Long cho thấy sự suy yếu của quân đội Sài Gòn và khả năng phản ứng rất hạn chế của Mỹ.

Sau chiến thắng, thế và lực của ta trên chiến trường miền Nam nói chung và miền Đông Nam bộ nói riêng càng lớn mạnh, làm xoay chuyển cục diện chiến trường, thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường Nam bộ.

Tại hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Chính ủy Trung đoàn 141, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 cho biết, ngày 26-12-1974, ta giải phóng được Đồng Xoài thì đến chiều, trên ra lệnh Trung đoàn 141 nhanh chóng thu dọn chiến trường, lên giải phóng Phước Long. Trung đoàn 165 được giao nhiệm vụ đánh chi khu Phước Bình, còn Trung đoàn 141 nhanh chóng áp sát phía Tây Phước Long. 6 giờ sáng 1-1-1975, ta bắt đầu nổ súng.

Trung đoàn 141 mở ở hướng quan trọng, còn Trung đoàn 165 là hướng chủ yếu. Đồng chí Nguyễn Văn Thỏa, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sông Bé, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, nguyên Đội Trưởng Đội biệt động Bà Rá (giai đoạn 1972-1975), lúc đó là Đội trưởng Đội biệt động Bà Rá dẫn Trung đoàn 165 vào mở cầu Suối Dung, đường đó xe tăng mới đi được. Trung đoàn 165 chặn ở cầu Suối Dung nhưng không phát triển được, còn Trung đoàn 141 thì mở được cửa ngõ hồ Long Thủy.

- 4.jpg
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Chính ủy Trung đoàn 141, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân đoàn 4 phát biểu tại hội thảo

Các ngày sau đó, cuộc chiến diễn ra quyết liệt và luôn trong thế giằng co. Đến sáng 6-1, Quân đoàn 4 tăng cường lực lượng dự bị là Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 vào tiếp tục giải phóng Phước Long. 10 giờ 30, đồng chí Đặng Văn Hoan, chiến sĩ của Đại đội 7, Trung đoàn 141 nhanh chóng cắm cờ trên dinh tỉnh trưởng. Đến 11 giờ 30 ngày 6-1-1975, ta giải phóng hoàn toàn tiểu khu Phước Long. Sau 25 ngày chiến đấu, Chiến dịch Đường 14 - Phước Long kết thúc thắng lợi.

Quân đoàn 4 mới thành lập được 5 tháng ra quân đánh thắng trận đầu, khẳng định sức mạnh của đơn vị chủ lực cơ động đã chiến đấu giành thắng lợi có ý nghĩa chính trị quan trọng giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã hô hào tái chiếm Phước Long. Nhưng không có khả năng và lực lượng mới tuyên bố để tang Phước Long; do đó “Chính phủ Hoa Kỳ đưa hạm đội 7 vào biển Đông không có động tĩnh gì và Hoa Kỳ nói không có điều kiện đưa quân vào miền Nam Việt Nam", khi đó mới xuất hiện “Đòn đánh trinh sát chiến lược". Tạo điều kiện để Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng làm Kế hoạch quyết tâm chính xác để báo cáo Bộ Chính trị - Trung ương Đảng giải phóng Miền Nam trước 30-4-1975.

Hội thảo với 33 tham luận của Trung ương ương, Quân khu, Quân đoàn 4, Cựu chiến binh, nhà khoa học; các sở, ngành, địa phương, nhân chứng lịch sử... đề cập đến nhiều chủ đề, nội dung, khía cạnh khác nhau. Trong đó, nhiều bài viết có hàm lượng thông tin, luận cứ khoa học được gửi đến hội thảo, cùng nhiều ý kiến phát biểu, thảo luận tâm huyết, trách nhiệm, của các tướng lĩnh, chỉ huy, các nhà khoa học… Đặc biệt, các tham luận, ý kiến các nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại chiến trường Phước Long.

dien.JPG
Ông Vũ Tiến Điền, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước phát biểu tại hội thảo

Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Vũ Tiến Điền, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước cho biết, các tham luận đã cung cấp những tư liệu mới, luận cứ khoa học khẳng ý nghĩa lịch sử và tầm vóc chiến lược của chiến thắng chiến dịch Đường 14 - Phước Long trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng của chiến dịch Đường 14 - Phước Long làm sáng tỏ giá trị lịch sử và hiện thực của đòn trinh sát chiến lược; góp phần cung cấp những luận cứ khoa học, thực tiễn quan trọng nhằm khẳng định ý nghĩa lịch sử và tầm vóc chiến lược của chiến thắng chiến dịch Đường 14 - Phước Long; sự lãnh đạo tài tình của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 và Đảng bộ tỉnh Bình Phước; tinh thần chiến đấu hy sinh dũng cảm, kiên cường, bất khuất của bộ đội chủ lực, quân và dân các dân tộc sẽ mãi là bản anh hùng ca bất diệt, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30-4-1975.

Đồng thời, góp phần lan tỏa, quảng bá hình ảnh của tỉnh Bình Phước, thị xã Phước Long sau 50 năm chiến thắng Phước Long; tự hào là địa phương anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, nghĩa tình, năng động, phát triển trong hiện tại và tương lai.

Tin cùng chuyên mục