Hội thảo được tổ chức dưới các hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tham dự hội thảo có ngài Patrick Haverman, Phó Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam; ngài Sean Farrell, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Các đại biểu tham dự hội thảo tại điểm cầu tỉnh Bình Phước |
Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi cho biết, thời gian qua, Chính phủ và các địa phương đã dành nhiều nguồn lực đề thực hiện chuyển các dịch vụ công lên môi trường số nhằm tạo thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực tế tại 3 tỉnh cho thấy, người dân chưa có thói quen với loại hình dịch vụ này. Người dân trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng còn khá khiêm tốn.
Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, hiện Bình Phước đang đứng trong top đầu cả nước ở nhiều nội dung quan trọng về kết nối, tích hợp DVCTT trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Hiện tỉnh đã thực hiện cung ứng 1.782 DVCTT. Tổng số tài khoản dịch vụ công của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 261.044 tài khoản. Tỷ lệ cung cấp DVCTT xếp thứ 4 và tích hợp với Cổng dịch vụ công xếp thứ 7 cả nước; cấp bản sao chứng thực điện tử xếp thứ 2 cả nước... Tuy nhiên, việc triển khai thực tế tỉnh vẫn còn những hạn chế về kỹ thuật và con người khi triển khai DVCTT. Bà Trần Tuệ Hiền cũng đưa ra một số giải pháp nhằm đẩy mạnh việc cung ứng DVCTT cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Mục đích của hội thảo nhằm công bố kết quả nghiên cứu và lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và địa phương về kết quả nghiên cứu thực địa của chương trình hợp tác nghiên cứu tư vấn chính sách năm 2023 giữa Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh với Hội Xã hội học Việt Nam thông qua chương trình tài trợ của UNDP và đại sứ quán Ireland tại Việt Nam.
Qua đó, nhóm tác giả nghiên cứu cũng đề xuất các giải pháp trọng tâm cho các địa phương như: nâng cao nhận thức, thái độ và năng lực, kỹ năng quản lý, vận hành hệ thống cung cấp DVCTT; cải thiện từng bước việc tuyên truyền, phổ biến DVCTT trong người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; cải thiện hạ tầng cung cấp DVCTT nhằm từng bước xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến xây dựng chính quyền số và các giải pháp cụ thể khác.