Sáng 12-4 tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức họp báo giới thiệu về hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng “Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Đây là một trong những hoạt động chính, kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24-4-1972 – 24-4-2022), Hội thảo do Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy Kon Tum chủ trì, sẽ diễn ra tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum vào ngày 22-4 tới.
Quang cảnh cuộc họp báo. Ảnh TRẦN BÌNH
Tại cuộc họp báo, Đại tá Dương Hồng Anh, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự (Bộ Quốc phòng) cho biết, nội dung hội thảo khẳng định giá trị quan trọng của Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh đối với Chiến dịch Bắc Tây Nguyên và bước phát triển tất yếu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên chiến trường Tây Nguyên; đánh dấu bước tiến về trình độ tổ chức chỉ huy và thực hành chiến dịch; góp phần vào thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược năm 1972, làm thất bại một bước cơ bản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Qua đó, đúc rút những bài học lịch sử và kinh nghiệm quý giá trong lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về tầm nhìn chiến lược, nghệ thuật tổ chức, thực hành chiến dịch, phương pháp tác chiến hiệp đồng binh chủng; quá trình phối hợp giữa bộ đội chủ lực với lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Kon Tum, địa bàn Tây Nguyên. Trên cơ sở đó, vận dụng, phát huy vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kết quả hội thảo nhằm tôn vinh và tri ân các anh hùng liệt sĩ, đồng bào và nhân dân đã kiên cường chiến đấu, dũng cảm hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đây cũng là dịp tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, bồi đắp lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, ra sức thi đua, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại diện Ban Tổ chức hội thảo trao đổi và trả lời các câu hỏi tại cuộc họp báo. Ảnh TRẦN BÌNH
Tại cuộc họp báo, đại diện Tỉnh ủy Kon Tum, Cục Tuyên huấn (Bộ Quốc phòng) và Viện Lịch sử quân sự cho biết, đến nay công tác tổ chức, chuẩn bị cho hội thảo và các hoạt động bên lề đã hoàn tất. Ngoài sự tham dự của lãnh đạo Bộ Quốc phòng, tỉnh Kon Tum và các nhà nghiên cứu lịch sử trong và ngoài quân đội, hội thảo còn có một số nhân chứng lịch sử; đặc biệt là đồng bào, chiến sĩ dân tộc thiểu số từng trực tiếp tham gia chiến dịch cách đây 50 năm.
Hội thảo cũng đã nhận được tham luận của Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quốc Thước và Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Khuất Duy Tiến - hai vị tướng đã trực tiếp tham gia, chỉ huy chiến dịch này.